Khủng hoảng truyền thông, nỗi đau của DN và quan hệ với báo chí
Quang cảnh diễn đàn đối thoại |
“Vị thế chúng tôi đạt được hôm nay có sự góp sức của báo chí. Chúng tôi cảm ơn các nhà báo, chúng tôi kính trọng lắm quý báo chí lắm, càng kính trọng bao nhiêu thì khen bao nhiêu cũng chưa vừa, nhưng cũng có nhiều điều cần góp ý”, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát biểu.
Báo chí không nên dùng ngôn từ nặng nề, không nên cắt xén câu nói gốc để thành tít ấn tượng nhưng gây hiểu lầm.
Ông kể lại câu chuyện, tại một buổi họp ở Bộ Công Thương ông đề nghị: “Bộ trưởng đã hứa với DN xóa bỏ một số thủ tục nhưng đến nay các bộ phận nghiệp vụ chưa triển khai, đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện ngay”. Sau đó có phóng viên đến phỏng vấn với câu hỏi “ông có thấy họ chây ỳ không?”, tôi trả lời “có sự chậm trễ”, phóng viên chất vấn lại “tại sao ông không nói họ chây ỳ”.
“Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: “Chây ỳ không giảm cước, tôi thấy nhục lắm” – đây là một tít bài đăng còn khi đó tôi nói “Doanh nghiệp phải đổi mới để thu hút khách hàng, để giảm chi phí đi… Các anh phải thay đổi chứ cứ để báo chí nói chây ỳ, móc túi tôi thấy nhục lắm”, ông Thanh kể chuyện.
Thêm một chuyện nữa, cũng của ông Thanh, phóng viên hỏi: “Ông có thấy lợi ích nhóm, trong BOT có thấy tham nhũng, trong các dự án BOT, có thấy giá BOT đắt nhất trong khu vực?”, tôi nói “tôi không có thông tin, không đủ khả năng và không có quyền năng trả lời”, phóng viên bảo là “như thế là ông vô trách nhiệm với thành viên của ông”. “Tôi nói, phải hiểu hãy hỏi, hỏi được không phải là dễ đâu, không biết mà trả lời là vô trách nhiệm, không biết, không trả lời là có trách nhiệm”, ông Thanh kể.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ nói rằng Thủ tướng đã quán triệt không hình sự hóa, báo chí cũng không hình sự hóa các việc chưa rõ nét. “Khi cơ quan điều tra chưa làm rõ thì báo chí bình tĩnh, đưa thông tin không đúng là giết chết DN, làm thui chột tinh thần, nản lòng DN”. Có những người viết báo kiểu vạch lá tìm sâu. Có những việc chưa đâu vào đâu một báo đăng nhiều báo khác ào theo.
“Báo chí tránh đừng đưa tin như vụ xúc xích VietFoods làm cho DN đứng bên bờ phá sản mà phía sau DN là hàng nghìn thậm chí hàng vạn lao động. Lời nói là gói vàng nhưng lời nói cũng là đọi máu”, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên lên tiếng.
Vì có những câu chuyện này, mà không ít doanh nhân “ngại báo chí” mặc dù giới báo chí đã giúp DN không ít.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhận thấy những khó khăn của DN cũng không tránh khỏi là có tác động của giới truyền thông. Và rất nhiều DN làm ăn tốt cần được tôn vinh, nhưng cũng có nhiều DN trốn thuế, gây ảnh hưởng đến môi trường… thì báo chí nêu là rất đúng. Ông nói: “Báo chí và doanh nhân cần đồng hành, cần là bạn, nhưng là bạn thì cần góp ý những điều đúng để phát huy và chỉ ra cái sai để khắc phục”.
“Hoạt động đúng hướng với sự tận tâm, chuyên nghiệp của những người làm báo thúc đẩy sự phát triển của DN. Nhưng hành xử không đúng của nhà báo thì mang lại nỗi đau cho DN. Thực tế rất nhiều cuộc khủng hoảng truyền thông thời gian qua đã cho thấy DN phải trả giá, tổn phí, thiệt hại lớn đến thế nào”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nói vậy sau khi đã khẳng định công sức và vai trò quan trọng của báo chí với sự phát triển của cộng đồng DN.
Ông khẳng định sự phát triển của cộng đồng DN hôm nay và để có được 01 triệu DN năm 2020 thì báo chí góp vai trò quan trọng. Vai trò của nhà báo rất quan trọng trong việc phát hiện những tiêu cực của cơ quan quản lý và sai phạm của DN. Tuy nhiên, trong quá trình phản ánh cần phải thượng tôn pháp luật.
“Nhà báo cần phản ánh trung thực, tuyên truyền chính sách, đúng bản chất các vụ việc, không tô hồng quá, không bóp méo quá, mà phải chủ động và đồng cảm với DN, đặc biệt hết sức tránh những ảnh hưởng không đáng có, hậu quả không đáng có cho DN trước những “ sự cố truyền thông”.
Ngài đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, đại diện cho cộng đồng DN Hoa kỳ ở Việt Nam cũng góp lời khẳng định vai trò của báo chí với DN, doanh nhân và mối quan hệ hợp tác này. Cộng đồng DN Hoa Kỳ cũng rất cảm ơn các nhà báo. Ông nói: Báo chí có vai trò quan trọng nhất là hiện nay khi Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng, báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường khởi nghiệp, cổ vũ DN sáng tạo.
“2016 là năm khởi nghiệp, muốn là quốc gia khởi nghiệp cần có hệ sinh thái khởi nghiệp và báo chí góp phần quan trọng xây dựng môi trường này. Mong báo chí cũng có tinh thần khởi nghiệp như DN, cả báo chí và DN cùng vươn tới”, ông Lộc phát biểu.
Ông đề nghị báo chí giúp DN truyền thông tốt hơn, và DN chủ động hơn với báo chí. Ông cũng gợi ý các hiệp hội ngành hàng nên có những đối thoại thường xuyên hơn với báo chí cung cấp cho báo chí thông tin đầy đủ.
Các DN, doanh nhân cũng nên hiểu thêm về luật báo chí và các văn bản về báo chí khi có gặp trục trặc thì có những ứng xử đúng luật, được xử lý tốt hơn, giúp cho phóng viên tránh được sai phạm không đáng có. DN cũng nên có những ứng xử, công khai thông tin để hai bên hiểu nhau hơn.