Bảo hiểm Việt Nam trong TPP còn yếu
Ảnh minh họa |
Để chuẩn bị gia nhập TPP, Việt Nam đã có khoảng thời gian đủ lâu để chuẩn bị cho quá trình gia nhập TPP. Trong đó, năng lực tài chính của các DN bảo hiểm được cải thiện đáng kể (tổng tài sản các DN đạt 201.132 tỷ đồng năm 2015, tăng 3,5 lần so với thời điểm gia nhập WTO 2007 và vốn chủ sở hữu ghi nhận 42.388 tỷ đồng cùng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với 2007). Đồng thời, quy định pháp luật dần xóa bỏ rào cản và phân biệt đối xử đối với các DN bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài để tiến gần hơn đến các thông lệ của quốc tế.
Tuy nhiên, so với các nước thành viên TPP, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói về cạnh tranh thì gần như không đáng kể. Cụ thể, sản phẩm bảo hiểm, đầu tư còn đơn giản, chưa phong phú, nguồn nhân lực thiếu cả chất lẫn lượng là một trong những lý do giải thích cho khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối.
Trong khi đó, các DN nước ngoài, kể cả trong lẫn ngoài TPP hiện nay đang rất chú ý đến thị trường bảo hiểm Việt Nam khi liên tục trở thành cổ đông chiến lược của các DN bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết.
Theo ghi nhận của chuyên viên phân tích bảo hiểm công ty chứng khoán Rồng Việt, các mức độ cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN khác nhau đáng kể. Singapore đã đạt tới giai đoạn tự do hóa nhất trong số các quốc gia ASEAN, trong khi Myanmar lại có những hạn chế chặt chẽ đối với phương thức 1, 3, 4 mặc dù gần đây quốc gia này đã điều chỉnh luật và mở cửa với các DN bảo hiểm nước ngoài. Về phần mình, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tự do hóa đối với phương thức 1, 2 và 3.
Tạm tính dựa trên số liệu đến năm 2014 (Myanmar, Lào, Campuchia, Brunei chưa có số liệu cụ thể), trong lĩnh vực phi nhân thọ Việt Nam hiện đứng thứ 6 về tiêu chí doanh số (chiếm 3,7% thị phần) và phí bảo hiểm/đầu người. Tương tự mảng bảo hiểm nhân thọ, Việt Nam cũng giữ vị trí thứ 6 về tiêu chí doanh số (chiếm 2,8% thị phần) và phí bảo hiểm/đầu người.
Không những vậy, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam chỉ ở mức 1,31% trong năm 2014 (tuy nhiên theo số liệu cập nhật 2015 thì tỷ lệ này đã cải thiện lên xấp xỉ 2%). Có thể thấy mặc dù đứng thứ 6 nhưng so với các vị trí dẫn đầu, Việt Nam bị bỏ khá xa. Với thị phần nhỏ, cộng với việc cam kết tự do hóa khá mạnh, Việt Nam dự báo sẽ gặp nhiều cạnh tranh từ các DN bảo hiểm ở các thị trường phát triển hơn.
Đặt trong tương quan so sánh như vậy đế thấy AEC và TPP không phải là “miếng bánh ngọt” đối với một ngành được Việt Nam thực hiện tự do hóa sâu rộng như bảo hiểm, mà thay vào đó là nguy cơ Việt Nam trở thành nước nhập khẩu dịch vụ bảo hiểm từ các quốc gia thành viên.
Vậy nên, hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn bị nguồn nhân lực, tăng cường giới thiệu, đưa sản phẩm bảo hiểm vào đời sống của người dân… là những vấn đề Việt Nam cần làm để nâng sức cạnh tranh trên bình diện quốc tế.