Bất động sản hưởng lợi từ phát triển du lịch
Nếu như năm 1994 Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, thì đến năm 2018, chúng ta đã đón 15,5 triệu lượt, tăng 20% so với 2017. Và cùng với 80 triệu lượt khách nội địa thì quy mô kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế với tổng thu đạt trên 620.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
“Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, hệ thống sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới phân phối, mang lại nguồn thu, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm... và tác động lan tỏa đến tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan. Du lịch đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế và kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước mới có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng, thì tới năm 2018, con số này đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm, TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch nhận định.
Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch... tại các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là các khu du lịch biển như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu... Với công suất buồng và mức giá trung bình đối với phân khúc 4-5 sao theo điều tra của Grant Thornton thì tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào bất động sản du lịch vượt trội hơn hẳn các kênh đầu tư bất động sản khác.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều và dự kiến đến năm 2020 là 20 triệu lượt; lượng khách du lịch nội địa tăng 10% mỗi năm. Cùng với đó, mức sống dần tăng cao, làm tăng nhu cầu về “ngôi nhà thứ hai để nghỉ ngơi” là xu hướng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng và điều này khiến bất động sản du lịch của Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn.
Tuy nhiên, mặc dù vậy, đầu tư bất động sản du lịch lại có những khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả. Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách về sau.
Trên thực tế, Việt Nam đang dư thừa các sản phẩm du lịch giống nhau, thiếu sản phẩm độc đáo trong khi du khách ngày nay không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng đơn thuần, mà còn có nhu cầu trải nghiệm sự mới mẻ, chân thực, thú vị và muốn tìm hiểu sâu sắc đời sống văn hóa, di sản và lịch sử của điểm đến.