Bù đắp thâm hụt ngân sách
“Cởi trói” cho quỹ ngoài ngân sách | |
Ngân sách Nhà nước: Thu lỏng lẻo, quyết toán chi… dễ dãi | |
Phập phồng nỗi lo thâm hụt ngân sách |
Một vấn đề nổi lên hiện nay trong điều hành kinh tế vĩ mô đang làm đau đầu các cơ quan quản lý, đó là thâm hụt ngân sách. Dưới góc độ của chính sách tiền tệ (CSTT), thì đây là một áp lực lớn đối với sự ổn định lâu dài của CSTT. Nếu một chính sách tài khoá (CSTK) kém bền vững về lâu dài sẽ tác động lên mục tiêu CSTT.
Kỳ vọng thâm hụt ngân sách lớn và liên tục, cộng với nhu cầu nợ lớn của Chính phủ có thể giảm lòng tin vào nền kinh tế và gây rủi ro đến sự ổn định của thị trường tài chính. Một khi thiếu niềm tin vào sự bền vững tài chính có thể trở thành yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn cho các thị trường trái phiếu, ngoại hối và thậm chí làm sụp đổ cơ chế tiền tệ.
Ảnh minh họa |
Để giải quyết vấn đề này cần sự phối hợp đồng bộ nhiều các biện pháp chính sách để tăng thu, chống thất thu thuế, giảm chi, nhất là chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả các khoản chi cho xây dựng cơ bản, giáo dục đào tạo, y tế…
Trong đó, CSTT có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ cho CSTK khắc phục những khó khăn trong ngắn hạn. Bởi CSTT được xem là công cụ có tính lỏng - linh hoạt cao, còn CSTK là công cụ cứng. Và CSTT luôn bổ trợ CSTK để cùng hướng tới mục tiêu chung là ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về nguyên lý, nguồn bù đắp cho thâm hụt ngân sách chỉ có từ 3 nguồn: huy động trong dân, vay nước ngoài và từ khu vực NH. Trong đó, vay nước ngoài là nguồn luôn phải được Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng.
Bài học đắt giá của việc dùng nguồn phát hành để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong thập kỷ 90 gây ra lạm phát phi mã vẫn còn đó. Chính vì vậy, Luật NHNN, Luật NSNN cũng không cho phép sử dụng nguồn này để bù đắp thâm hụt ngân sách. NSNN chỉ được phép tạm ứng từ NHNN trong năm ngân sách để bù đắp thiếu hụt tạm thời về nguồn thu NSNN.
Để hỗ trợ nguồn bù đắp cho thâm hụt ngân sách, cũng như tạo công cụ cho điều hành CSTT, NHNN đã cùng phối hợp với Bộ Tài chính, phát triển thị trường tín phiếu kho bạc, trái phiếu Chính phủ.
Các NHTM sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi để mua tín phiếu kho bạc và sử dụng như một công cụ đảm bảo thanh khoản cho mình. Trong điều kiện nới lỏng CSTT, NHNN cũng có thể mua tín phiếu để nắm giữ làm công cụ can thiệp thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, NHTM cũng mua trái phiếu Chính phủ để vừa đầu tư dài hạn, vừa sử dụng như là công cụ tham gia nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để điều tiết thanh khoản.
Tuy nhiên, việc các NHTM đầu tư vào trái phiếu Chính phủ phải có những giới hạn nhất định để đảm bảo vừa kiểm soát được lạm phát, vừa đảm bảo việc mở rộng đầu tư khu vực sản xuất phi Chính phủ. Chính vì vậy, trong quy định về tỷ lệ an toàn với hoạt động các TCTD, NHNN luôn quy định một tỷ lệ đầu tư trái phiếu Chính phủ cho các NHTM.
Tại Thông tư 36, NHNN quy định các NHTM Nhà nước, chi nhánh NH nước ngoài chỉ được phép đầu tư tối đa 15%; NHTMCP, NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài là 35% so với nguồn vốn huy động ngắn hạn. Nay NHNN đã nâng tỷ lệ này lên 25% đối với các NHTM Nhà nước và 35% đối với chi nhánh NH nước ngoài.
Đây là giải pháp rất có ý nghĩa trong bối cảnh NSNN đang khó khăn như hiện nay. Song NHNN cần thường xuyên theo dõi tác động của chính sách này đối với hiệu quả của CSTT khi lạm phát có xu hướng gia tăng để có những điều chỉnh kịp thời.