Phập phồng nỗi lo thâm hụt ngân sách
Hai kịch bản tăng trưởng
Với chủ đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập”, Báo cáo kinh tế thường niên 2015 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 28/5 đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng năm nay. Theo đó, tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 6,1% ở kịch bản một và 6,3% ở kịch bản hai. Cả hai kịch bản này đều khá sát với mức mục tiêu 6,2% mà Chính phủ đặt ra.
Đáng chú ý, nếu tốc độ tăng GDP đúng như ở kịch bản một thì lạm phát năm nay dự kiến chỉ quanh mức thấp 1,9%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP theo kịch bản hai thì lạm phát có thể tăng mạnh hơn, lên mức quanh 3,2%.
Kinh tế hộ gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh hội nhập |
Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR thì, một trong những vấn đề ngắn hạn của nội tại nền kinh tế hiện nay là thâm hụt ngân sách. Khó khăn trong duy trì và cải thiện nguồn thu, đi liền với nỗ lực yếu ớt trong việc tiết chế các khoản chi khiến thâm hụt ngân sách tăng cao. Điều này đặt Chính phủ vào những khó khăn trong việc huy động nguồn tài trợ khi ngân sách bị thâm hụt.
“Nếu Quốc hội không có sự thỏa hiệp cần thiết trong định mức về lượng trái phiếu phát hành hoặc trần nợ công, Chính phủ có thể bị đẩy vào tình thế phải tìm kiếm nguồn tài trợ tạm thời từ NHNN dưới nhiều hình thức. Điều đó dẫn tới nguy cơ phá vỡ những ràng buộc về kỷ luật tiền tệ lẫn tài khóa, tạo một tiền lệ xấu. Tác động tức thời của các chính sách này là sự xói mòn niềm tin của thị trường vào cả chính sách tiền tệ và mức độ minh bạch tài khóa” – TS. Nguyễn Đức Thành cảnh báo.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh lo ngại việc thâm hụt và bội chi ngân sách cao có thể khiến phát sinh nhiều “sáng kiến” để giảm hụt thu ngân sách.
“Theo đúng cam kết hội nhập, thuế xăng dầu phải giảm xuống thì lập tức Bộ Tài chính có một sáng kiến là tăng thuế bảo vệ môi trường. Hay mới đây, một sáng kiến nữa là dự thảo nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô… Tôi e ngại rằng, với sức ép của nợ công và bội chi ngân sách thì sẽ còn nhiều “sáng kiến linh hoạt” kiểu như vậy nữa” – TS. Lê Đăng Doanh dẫn chứng.
Chuyên gia này cũng nhận định, những sáng kiến không có lộ trình, không được chuẩn bị trước như vậy sẽ tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt đến các DN dân doanh và người dân.
Những “nguy cơ” hiện hữu
Các chuyên gia cho rằng, 2015 là năm bản lề quan trọng trên lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam, với nhiều hiệp định cả song phương và đa phương sẽ được ký kết. Cơ hội và tiềm năng từ hội nhập rất lớn, nhưng để hội nhập thực sự mang lại những lợi ích thiết thực (hơn là các cam kết mang tính chính sách và ở thượng tầng) thì cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách, giải pháp để “hấp thụ” được các cam kết hội nhập đã đưa ra, đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh cho các DN Việt.
TS. Lê Đăng Doanh phân tích: cơ cấu kinh tế của Việt Nam để bước vào hội nhập có nhiều điểm rất đặc biệt. Số liệu Tổng Cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ đóng góp của DNNN vẫn rất lớn, lên tới 33% GDP; kinh tế hộ gia đình trên 33% trong khi tỷ lệ đóng góp của DN tư nhân có đăng ký chỉ 11,2%... “Tỷ lệ đóng góp của kinh tế hộ gia đình lớn như vậy thì chúng ta sẽ chuẩn bị cho hội nhập thế nào đây”? – TS. Doanh đặt câu hỏi.
Theo ông Doanh, nếu chỉ xét trong nội bộ nền kinh tế, đây là đối tượng rất năng động, nhưng họ lại thường làm ăn nhỏ lẻ, không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản, vốn liếng ít… Do đó, để hội nhập, để cạnh tranh với khu vực và quốc tế thì đòi hỏi phải có một sự chuyển biến hết sức mạnh mẽ. “Nếu không có sự chuyển biến này, tôi cho rằng đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với quá trình hội nhập của Việt Nam” – ông Doanh cảnh báo.
Để chủ động hơn trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời khai thác các lợi ích từ tự do hàng hải và an ninh biển, các tác giả của Báo cáo kinh tế thường niên 2015 gợi ý Việt Nam nên đề xuất thành lập Khối hợp tác kinh tế biển xuyên Á (PAMEC). Mục tiêu là nhằm tạo dựng một hệ thống hạ tầng trên biển chất lượng cao, kết nối các nền kinh tế biển quan trọng nhất giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tạo lập một khối hợp tác vì thịnh vượng và an ninh chung.
Nhiều chuyên gia hoan nghênh sáng kiến này, tuy nhiên cho rằng đây là vấn đề phải bàn bạc rất kỹ lưỡng. Bởi đây không chỉ là vấn đề hội nhập kinh tế đơn thuần, mà liên quan đến cả các yếu tố địa chính trị, luật biển, tranh chấp biển… “Việt Nam có thể là người đề xuất, nêu sáng kiến nhưng ai sẽ là người “cầm cờ” trong khối đó. Bởi người đứng đầu cần có tiềm lực, đặc biệt về tài chính” – một chuyên gia nêu ý kiến.