Bứt phá từ nội lực
Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức sinh lời lớn nhất Đông Nam Á | |
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực | |
Giải mã sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán |
“Mặc dù chịu nhiều tác động bởi tình hình thế giới, nhưng TTCK Việt Nam vẫn hồi phục nhanh chóng và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 8 năm trở lại đây (kể từ tháng 3/2008), thanh khoản tăng mạnh, mức vốn hóa thị trường đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường thế giới có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất trong quý II/2016 tại khu vực Đông Nam Á”, Chủ tịch UBCKNN, ông Vũ Bằng cho biết.
Ảnh minh họa |
Theo tính toán của UBCKNN, đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 13,8%, HNX-Index tăng khoảng 4% so với cuối năm 2015. Mức vốn hóa thị trường đạt 1.590 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% GDP, tăng 17% so với cuối năm 2015; Thanh khoản thị trường tăng mạnh, giao dịch bình quân 1 phiên đạt gần 6.200 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước, trong đó giao dịch trái phiếu Chính phủ tăng 34%; giao dịch cổ phiếu tăng 16% so với năm trước;
Huy động vốn 7 tháng đầu năm ước tăng 81% (đạt gần 254,5 nghìn tỷ đồng); Đấu giá cổ phần hoá cho 58 DNNN với tổng giá trị đạt 5.291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thành công đạt 66%; 21 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 1.899 tỷ đồng, tăng 112%, tỷ lệ thành công đạt 73%.
6 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thuần tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị danh mục của NĐTNN đến tháng 6 đạt trên 16 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
Đạt được kết quả tích cực này, theo ông Vũ Bằng là do Chính phủ nhiệm kỳ mới đã liên tục phát đi những thông điệp tích cực hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế trong nước có bị chậm lại, nhưng đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực như tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng 7,5% so với cùng kỳ; Chỉ số PMI của ngành sản xuất trong tháng 5 và 6 đều ở trên mức 52 điểm; Lạm phát duy trì ở mức kiểm soát, CPI bình quân 7 tháng tăng 1,82%. Bên cạnh đó, việc thu hút dòng vốn FDI tăng mạnh với vốn đăng ký đạt hơn 12,9 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ, hay việc đẩy nhanh giải ngân vốn tài khóa cũng tạo kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đạt 8,54%, tăng cao hơn so với cùng kỳ. Cán cân thương mại thặng dư 1,8 tỷ USD, tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối và làm giảm áp lực tỷ giá. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh trong tháng 7/2016. Lãi suất bình quân liên ngân hàng giảm xuống còn 1,2% và đây là mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây (cùng kỳ năm trước là 2,28%)... Tất cả những điều đó cũng đã góp phần quan trọng tạo nên sự bứt phá của TTCK thời gian qua.
Hoạt động của các công ty niêm yết có sự cải thiện so với cùng kỳ, doanh thu tăng bình quân 6,8%, lợi nhuận sau thuế quý II tăng 16,45% so với quý I; hàng tồn kho giảm 72%. Cùng với đó, các giải pháp tái cấu trúc, tháo gỡ khó khăn cho DN, các giải pháp hỗ trợ thị trường, cũng như phát triển các sản phẩm mới (phái sinh, covered warrant...) đã được triển khai cũng tạo những cú hích nhất định cho TTCK phát triển.
Nhấn mạnh các giải pháp trong những tháng cuối năm, Chủ tịch UBCKNN cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách như: Xây dựng kế hoạch sửa đổi Luật Chứng khoán; Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 108 và Nghị định về quản trị công ty; Ban hành các thông tư sửa đổi liên quan đến Nghị định sửa đổi Nghị định 108; Hoàn tất các quy chế, quy trình cho TTCK phái sinh, cho sản phẩm mới covered warrant.
Về cơ sở hàng hóa, UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN theo tinh thần Quyết định 51 và gắn với việc niêm yết, đăng ký giao dịch theo Nghị định 60. Đồng thời, bổ sung chế tài xử lý các DNNN cổ phần hóa không hoặc chậm thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch...