Cà phê Việt và mục tiêu 6 tỷ USD
Cà phê Việt: Bỏ ngỏ chế biến sâu cho khối ngoại | |
Đẩy mạnh xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng cao |
Cung lớn hơn cầu
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), XK cà phê tháng 7/2018 ước đạt 115 nghìn tấn với giá trị đạt 216 triệu USD, lũy kế XK 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,16 triệu tấn và 2,22 tỷ USD, tăng 10,8% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cà phê XK bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.927 USD/tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngành cà phê đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời gian tới |
Lý giải về nguyên nhân cà phê giảm giá, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng do sản lượng cà phê thế giới đang tăng cao. Vụ mùa năm nay của Brazil sẽ đạt kỷ lục hơn 3,6 triệu tấn, của Việt Nam dự kiến hơn 1,8 triệu tấn, đạt mức cao so với nhiều năm gần đây.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ cà phê 2018/2019 sẽ đạt 171,2 triệu bao (bao 60 kg), trong khi tiêu thụ toàn cầu cùng kỳ chỉ ở mức 163,2 triệu bao. Dự báo, thời gian tới, giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện. Cục khuyến cáo doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trong việc dự trữ, tránh tình trạng giá giảm sâu khi vào vụ thu hoạch trong quý IV của Việt Nam.
Một điểm cộng cho XK cà phê những tháng đầu năm 2018: Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 với thị phần lần lượt là 12,4% và 10,2%. Các thị trường có giá trị XK cà phê trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là: Indonesia (gấp 8,9 lần), Nga (63,4%) và Philippines (61,1%).
Lý giải việc XK cà phê sang Indonesia tăng mạnh, theo lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, là do vụ thu hoạch chính của nước này vào thời điểm cuối năm, do đó, để đủ lượng cà phê giao dịch, Indonesia phải tăng mua từ một số thị trường có lượng cà phê dự trữ lớn như Việt Nam.
Chinh phục mục tiêu nhiều tỷ đô
Theo số liệu của Cục Trồng trọt thì tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cà phê của cả nước là trên 664 ngàn hecta, năng suất bình quân đạt 2,3 tấn/ha. Tổng số nông hộ tham gia trồng cà phê lên tới trên 560 ngàn hộ với quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ sở hữu từ 0,5 đến 1ha.
Cà phê giữ vai trò quan trọng là một trong 5 mặt hàng XK chủ lực của ngành nông nghiệp. Năm 2017, kim ngạch XK cà phê chiếm tới 18,5% (3,5/18,96 tỷ USD) tổng kim ngạch XK của toàn ngành nông sản và 11% của ngành nông nghiệp, đóng góp 30% GDP các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, hiện nay cả nước có 97 nhà máy chế biến cà phê nhân với công suất thiết kế đạt 1,5 triệu tấn/năm đáp ứng đủ nhu cầu; 7 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất với tổng công suất 55.000 tấn/năm của các công ty: Nestle, Cà phê Ngon, Olam, Tín Nghĩa, Vinacafe Biên Hòa, Trung Nguyên, An Thái.
Cuối năm 2018, tập đoàn Tata sẽ khánh thành một nhà máy công suất 5.000 tấn/năm. Công ty Tín Nghĩa và Maseco khánh thành nhà máy cà phê hòa tan công suất 5.000 tấn/năm. Hiện công suất các nhà máy sản xuất cà phê phối trộn 3 trong 1, 2 trong 1 đạt trên 180.000 tấn/năm. Công suất chế biến cà phê rang xay cũng đạt khoảng 75.000 tấn/năm.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng, định hướng phát triển thời kỳ mới của ngành cà phê Việt Nam là giữ vững vị trí XK cà phê nhân thứ 2 thế giới và nâng cao giá trị gia tăng của ngành lên gấp đôi, đạt 6 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành cà phê đang đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Ngoài 120.000 ha cà phê già năng suất thấp đã có chương trình tái canh và đã ngừng, nay lại có thêm 100.000 ha đến thời kỳ tái canh. Bên cạnh đó, là quy mô sản xuất nhiều hộ nhỏ lẻ; nguồn vốn vay có lãi suất cao; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gay gắt…
Về mục tiêu XK 6 tỷ USD, ông Lương Văn Tự cho rằng đây là việc khó nhưng không phải không thực hiện được. Muốn vậy, việc đầu tư vào rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề là cần nguồn vốn lớn. Muốn đầu tư nhà máy cà phê hòa tan công suất 3.000 tấn cần nguồn vốn 25-30 triệu USD.
Do vậy, các ngân hàng cần bố trí nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để doanh nghiệp có thể đầu tư vào chế biến cà phê rang xay và hòa tan. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành quy chuẩn cà phê rang xay.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho cà phê rang xay và chế biến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành cà phê. Bộ NN&PTNT sớm ban hành sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao, hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Cầu Đất, cà phê Sơn La.
Nhiều ý kiến cho rằng, khâu sản xuất là yếu tố rất quan trọng. Do đó, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đề nghị xác định việc tái canh cà phê là công việc thường xuyên. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng VietGap, 4C và các tiêu chuẩn khác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp diễn ra mới đây, rằng DN của chúng ta xuất sản phẩm thô chỉ thu được về vài tỷ USD, nhưng nếu chế biến tốt thì giá trị này có thể lên tới 12 tỷ USD.
Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu của ngành Cà phê Ca cao Việt Nam trong giai đoạn tới.