Đẩy mạnh xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng cao
Cường quốc cà phê vẫn… đuối! | |
Chuyển biến trong tái canh cà phê |
Ảnh minh họa |
Vừa qua, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã nêu rõ, trên cơ sở định hướng phát triển của ngành nông nghiệp, các nhà máy, cơ sở chế biến tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Theo đó, không khuyến khích đầu tư xây dựng mới, hoặc mở rộng công suất thiết kế đối với các cơ sở chế biến cà phê nhân, mà tập trung nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền chế biến hiện có để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm. Phấn đấu tăng sản lượng chế biến cà phê rang xay hiện nay lên 50 nghìn tấn/năm (trên 90% công suất thiết kế) vào năm 2020. Ðồng thời, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến cà phê hoà tan thành sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước...
Phó Giám đốc thị trường một DN chế biến xuất khẩu cà phê có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi bán 1 kg cà phê nhân như hiện nay, các DN có khả năng thu về 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu. Trong khi đó, mỗi kg cà phê nhân (cà phê nguyên liệu) thường pha chế được 50 ly cà phê trở lên.
Mặc dù, xuất khẩu cà phê chế biến sâu khó và đầu tư tốn kém hơn rất nhiều so với xuất khẩu cà phê nhân thô nhưng rõ ràng, giá trị thu về cũng sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Ngoài ra, nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê nhờ vào việc chế biến sâu, thúc đẩy tiêu dùng cà phê nội địa còn góp phần làm cho nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam có vị thế tốt hơn khi đàm phán với các nhà nhập khẩu.
Nhận thức rõ vấn đề này, những năm gần đây nhiều DN xuất khẩu cà phê trong nước đã đầu tư tập trung cho công nghệ chế biến sâu. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện nước ta có khoảng 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với công suất hơn 75 nghìn tấn sản phẩm/năm.
Cụ thể, Vinacafé đã không ngần ngại khi quyết định đầu tư hơn 500 tỷ đồng, xây dựng thêm nhà máy chế biến cà phê hòa tan thứ 3 trên khu đất rộng 4,95 ha, tại KCN Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhà máy này có công suất 3.200 tấn cà phê hòa tan nguyên chất/năm với công nghệ hiện đại nhất, gấp 4 lần nhà máy thứ hai và lớn gấp 40 lần nhà máy thứ nhất của Vinacafé.
Hay như trường hợp Nestlé Việt Nam, để đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan, Công ty này đã xây dựng nhà máy Nestlé Trị An, với số vốn đầu tư 230 triệu USD, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu ra thế giới...
Với nỗ lực của nhiều DN, từ một nước chỉ được biết đến là quốc gia xuất khẩu cà phê nguyên liệu, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn trên thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Theo Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam (Vicofa), trong suốt nhiều năm mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hơn 3 tỷ USD, song gần 90% lượng cà phê của Việt Nam được các DN xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng cà phê thô chưa qua chế biến, không có thương hiệu và giá trị thấp.
Vài năm trở lại đây, bên cạnh xuất khẩu cà phê nhân, nhiều DN sản xuất và kinh doanh cà phê có tên tuổi đã đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến hiện đại, kiểm soát chặt chẽ quy trình, sản xuất ra các sản phẩm cà phê hòa tan chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị cho cà phê Việt.
Các chuyên gia cho rằng, nếu ngành cà phê Việt Nam tổ chức lại sản xuất một cách khoa học hơn, dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến từ khâu sản xuất cho đến các bước chế biến, tổ chức thương mại, thì chắc chắn sẽ tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.