Các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành NH trong xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu: Những tín hiệu lạc quan | |
Trọng tâm là xử lý nợ xấu | |
Yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu |
Tham dự buổi làm việc, về phía NHNN có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh và Ban lãnh đạo VAMC.
Thu hồi nợ chuyển biến tích cực
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết: Từ khi thực hiện hoạt động ngày 1/10/2013 đến nay, VAMC đã mua nợ của 42 TCTD bao gồm NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính với số lượng là 16.075 khách hàng, khoản nợ 24.556, dư nợ gốc 244.082 tỷ đồng và dư nợ giá mua 208.636 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ mua trên giá gốc là khoảng 20%, trích lập dự phòng rủi ro 80% giá gốc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Đến nay VAMC tích cực triển khai xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Từ năm 2013 đến tháng 4/2016, VAMC đã phối hợp với TCTD thu hồi được 27.354 tỷ đồng nợ xấu bằng các giải pháp bán nợ, bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ. Nếu so với nợ gốc là 244.082 tỷ đồng thì đã đạt 11,2%, còn so với nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt thì đạt khoảng 13%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, tốc độ thu nợ đang tăng khá tốt. Trong 3 năm từ 2013 đến năm 2015, VAMC đã thu nợ được khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Nếu năm 2013 và 2014 chỉ thu được hơn 5.000 tỷ đồng thì chỉ riêng năm 2015, VAMC thu nợ được 17.763 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, VAMC đã thu được 4.555 tỷ đồng. Như vậy tốc độ thu nợ 4 tháng đầu năm 2016 cho thấy tỷ lệ thu nợ tăng nhanh hơn, chiều hướng thu hồi nợ chuyển biến tích cực.
“Dư luận thời gian qua đã đặt vấn đề VAMC xử lý nợ thì thất thoát lớn, nghĩa là khi bán tài sản đi thì thu hồi nợ không bằng giá gốc. Nhưng qua thực tế thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo thì tỷ lệ thu hồi nợ bình quân đạt 70-75%, có trường hợp thu được 80-85% dư nợ gốc. Bởi vì hiện bán dưới dư nợ gốc TCTD rất hạn chế, cho nên tỷ lệ thu hồi nợ phần lớn là tương đối cao”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận.
Kiểm soát không để gia tăng nợ xấu trở lại
Trong thời gian qua, VAMC và NHNN, các cơ quan liên quan đã rà soát, bổ sung và xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ, cơ chế mua bán nợ theo giá thị trường. Bước đầu đã phân loại, đánh giá, phân tích được thực trạng các khoản nợ xấu đã mua để xác định các biện pháp xử lý nợ phù hợp.
Từ khi thành lập tới nay VAMC đã rất cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao về xử nợ xấu trong báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản của ngân hàng, doanh nghiệp trong những năm qua.
Cho rằng vấn đề xử lý nợ xấu được Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan tâm, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hiệu quả xử lý nợ xấu chưa như mong muốn, nếu không có cơ chế kiểm soát, quản trị tốt thì có khả năng gia tăng nợ xấu trở lại. Trong khi đó, một trong những công cụ xử lý nợ xấu là VAMC còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, pháp lý, trình độ, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ.
Chia sẻ với những vướng mắc của VAMC, lãnh đạo Chính phủ cho biết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 834/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm đề xuất xây dựng Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng giai đoạn 2016- 2020, trong đó có các giải pháp về pháp lý, thể chế, phát triển thị trường mua bán nợ, tăng cường phối hợp liên ngành và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VAMC.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu. “Nếu coi xử lý nợ xấu là việc của NHNN và VAMC thì xử lý sẽ rất khó khăn”, Phó Thủ tướng nêu rõ nhưng cũng nhấn mạnh sự chủ động tham mưu, thực hiện của NHNN và VAMC.