Các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá trở lại từ 15h30 hôm nay (19/8)
Đến hết quý II/2016, quỹ BOG xăng dầu dư 1.495,432 tỷ đồng | |
Giá năng lượng tại thị trường thế giới ngày 19/8/2016 |
Liên bộ cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 19/8/2016 là 50,094 USD/thùng xăng RON 92; 52,508 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 52,522 USD/thùng dầu hỏa; 235,739 đồng/kg đối với dầu mazut 180CST 3.5S.
Như vậy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành này so với kỳ điều hành trước liền kề tăng 3,074 USD/thùng đối với xăng RON 92; tăng 1,626 USD/thùng đối với dầu diesel 0.05S; tăng 1,312 USD/thùng đối với dầu hỏa; tăng 8,732 USD/tấn đối với dầu mazut 180CST 3.5S.
Ảnh minh họa |
Trước diễn biến này, Liên Bộ quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.
Sau khi thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường đối với xăng RON 92 không cao hơn 15.374 đồng/lít; Xăng E5 không cao hơn 15.225 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.914 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 10.496 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 8.837 đồng/kg.
Thời gian trích lập quỹ bình ổn giá áp dụng từ 15h30 ngày 19/8/2016. Thời gian điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do các thương nhân đầu mối quyết định nhưng không sớm hơn 15h30 ngày 19/8/2016 đối với các mặt hàng xăng dầu.
Thực hiện quyết định của liên bộ, từ 15h30 chiều nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng áp dụng biểu giá mới. Cụ thể như sau:
Đáng lưu ý, trong kỳ điều hành này, giá xăng sinh học E5 tăng tương đối mạnh so với dự báo trước đó của các doanh nghiệp là do có sự thay đổi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, quy định “Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khấu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế”.
Đối với giá cơ sở xăng học E5: Giá bán E100 đưa vào tính toán giá xăng E5 cho kỳ này theo quy định tại Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC- BCT là: 13.805 đồng/lít.
Đây là lần tăng trở lại của giá xăng sau 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp tính từ đầu tháng 6 đến nay.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu đã có 7 lần tăng giá, 8 lần giảm giá và 1 lần giữ nguyên giá.
Liên quan tới quỹ bình ổn, hiện mức chi quỹ cho các mặt hàng xăng dầu đã giảm về 0 đồng/lít. Trong quý II vừa qua, cơ quan liên bộ liên tục yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giữ giá bán lẻ và cho phép sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch do giá cơ sở tăng cao. Có những thời điểm, mức sử dụng quỹ của các mặt hàng lên tới 1.000 đồng/lít, cao gấp 3 lần mức trích lập.
Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tính đến thời điểm cuối quý II/2016 (hết ngày 30/6), tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn 1.495,432 tỷ đồng.
Cụ thể, tổng số trích Quỹ BOG trong Quý II (từ ngày 1/4/2016 đến hết ngày 30/6/2016) là 1.525,270 tỷ đồng; Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong Quý II là 3.821,647 tỷ đồng; Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương là 4,985 tỷ đồng; Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm là 323 triệu đồng.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến cuối quý II, phần lớn các doanh nghiệp bị âm số dư quỹ BOG (14 trong tổng số 21 doanh nghiệp). Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ BOG lớn nhất với số dư tới 1.424,931 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội dư 218,558 tỷ đồng; Saigon Petro dư 172,333 tỷ đồng...
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác có số dư quỹ âm, trong đó số quỹ âm lớn nhất của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) với số dư (-86,574) triệu đồng.