Các nền kinh tế mới nổi hưởng lợi từ chính sách thắt chặt dần của Fed
Tổng thống Trump "lật ngược" quan điểm về đồng USD và lãi suất | |
Chủ tịch Fed Yellen: Fed sẽ tăng dần lãi suất, song không để quá chậm | |
Fed có thể thu hẹp bảng cân đối tài sản vào cuối năm nay |
Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer |
Theo Stanley Fischer, sự phân kỳ chính sách tiền tệ vẫn là một chủ đề quen thuộc, nhưng trọng tâm đã chuyển sang tác động của chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn tại Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.
“Sự khác biệt về chính sách đang là mối quan tâm hiện nay khi hầu hết các nền kinh tế phát triển (AFE) và nhiều nền kinh tế mới nổi (EME) tiếp tục theo đuổi các chính sách tiền tệ có tính dễ dãi cao do vẫn còn phù hợp dưới ánh sáng của các lập trường về chu kỳ (kinh tế) yếu và lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp”, ông nói.
Ông cũng cho rằng, nhiều nhà quan sát đã viện dẫn về cú sốc thắt chặt đột ngột vào năm 2013 để minh hoạ cho việc thắt chặt tiền tệ của Fed có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các điều kiện tài chính nước ngoài. Tiếp theo đó, kỳ vọng thị trường lao động Mỹ sẽ tiếp tục được cải thiện đòi hỏi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn tại Mỹ - và do đó hàm ý sự khác biệt về tiền tệ với các đối tác thương mại của Mỹ - đã thúc đẩy đồng USD tăng giá mạnh trong khoảng thời gian từ giữa năm 2014 đến cuối năm ngoái, đi kèm với dòng vốn chảy ra khỏi nhiều nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, trái ngược với bối cảnh này và mối quan ngại đang gia tăng, phản ứng trên thị trường tài chính đối với các quyết định tăng lãi suất của Fed vào tháng 12/2016 và tháng 3/2017 với tổng số điểm tích lũy là 50 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu rủi ro của nước ngoài, đặc biệt là trong các nền kinh tế mới nổi, tiếp tục giảm xuống dưới các chuẩn mực lịch sử, và giá cổ phiếu toàn cầu đã tăng lên. Đồng USD đã mất giá kể từ giữa tháng 12, đặc biệt là đối với các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi và dòng vốn lại đổ vào các nền kinh tế này.
“Theo quan điểm của tôi, phản ứng thuận lợi này phần nào phản ánh quan điểm của các bên tham gia thị trường rằng việc tăng lãi suất là dấu hiệu cho thấy niềm tin của FOMC (Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ) đối với triển vọng cơ bản của nền kinh tế Mỹ đã làm tăng lòng tin vào triển vọng toàn cầu: Kinh tế Mỹ mạnh là nhân tố tích cực đối với kinh tế toàn cầu”, Fischer nhấn mạnh.
Nhưng lý do chính cho phản ứng tích cực của thị trường, theo Fischer, chính là sự mở rộng sản xuất tại nước ngoài có vẻ như được đảm bảo tốt hơn và rủi ro đối với các nền kinh tế cũng thu hẹp đáng kể so với những năm gần đây. Theo đó, ở châu Âu, thất nghiệp đã giảm đều đặn; lạm phát và kỳ vọng lạm phát đang hướng đến mục tiêu của ngân hàng trung ương… Nền kinh tế Trung Quốc cũng có vẻ có nền tảng vững chắc hơn, giúp ổn định đồng nhân dân tệ cũng như hỗ trợ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khác.
Phó Chủ tịch Fed cho rằng, IMF đã tính đến những yếu tố này trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới (WEO) tháng 4/2017 và dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ cao hơn đáng kể trong hai năm tới so với năm 2016 – lạc quan hơn nhiều so với phiên bản WEO tháng 10/2016.
Theo ông, có một số cơ hội để các nền kinh tế nước ngoài bắt đầu tăng tốc, đó là điều kiện kinh doanh ở Mỹ và nước ngoài trở nên hợp lý hơn. “Tất nhiên, thật khó để dự đoán liệu các nền kinh tế nước ngoài có tiếp tục tăng trưởng để nền kinh tế toàn cầu đồng bộ hơn - như tôi hy vọng - hay vẫn tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa chu kỳ kinh doanh của Mỹ và đối tác thương mại nước ngoài”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông, ngay cả khi sự khác biệt về chính sách tiền tệ vẫn còn rất lớn, vẫn có lý do chính đáng để nghĩ rằng tác động lan toả đến các nền kinh tế nước ngoài là có thể quản lý được.
“Trước tiên, tôi kỳ vọng rằng việc cắt giảm chính sách dễ dãi ở Mỹ sẽ được chi phối bởi sự tiếp tục mở rộng của nền kinh tế Mỹ. Do đó, các nền kinh tế nước ngoài có thể sẽ hưởng lợi từ những diễn biến thúc đẩy FOMC thắt chặt”, ông nói.
Thứ hai, theo ông, hầu hết các ngân hàng trung ương nước ngoài có khả năng giảm nhẹ những tác động tiêu cực từ việc thắt chặt các điều kiện tài chính của mình thông qua hành động chính sách thích hợp. “Một bài học quan trọng về “thắt chặt đột ngột” là công tác truyền thông và hành động có hiệu quả của các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh, đã đẩy nhanh lợi suất trái phiếu nhanh chóng giảm xuống mức mà các ngân hàng trung ương cho là phù hợp với tình hình kinh tế của họ”, ông nhấn mạnh.
Thứ ba, nhiều nền kih tế mới nổi đã cải thiện đáng kể các yếu tố nền tảng - bao gồm thâm hụt tài khoản vãng lai nhỏ hơn và kỳ vọng lạm phát cao hơn - cho phép họ chịu đựng được những ảnh hưởng của sự thắt chặt tại Mỹ.
Cuối cùng, ông mong đợi việc bình thường hóa chính sách của Mỹ sẽ được tiến hành dần dần theo các kịch bản phù hợp với tăng trưởng và lạm phát. “Việc loại bỏ dần chính sách tiền tệ dễ dãi dường như có khả năng tăng tối đa triển vọng tiếp tục tăng trưởng của kinh tế Mỹ và giảm thiểu nguy cơ lan rộng các tác động không mong muốn ở nước ngoài”, ông nói.