Cải cách: Rất dễ mà cũng rất khó
NHNN triển khai quyết liệt, mạnh mẽ CCHC trên tất cả các mặt | |
Cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp |
TS. Nguyễn Đình Cung |
Mới cải thiện chưa cải cách
Ông có bình luận gì về hành động thể hiện quyết xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, phục vụ DN của Chính phủ, của Thủ tướng?
Thủ tướng đã nhìn trúng vấn đề, nhìn DN như là nền tảng của tăng trưởng. Chính vì thế hành động đầu tiên của Thủ tướng là gặp DN, đối thoại nhằm tháo bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn. Thủ tướng đã trực tiếp về một số DN, đã có nhiều diễn đàn đối thoại với DN, trực tiếp chỉ đạo nhiều việc để tháo bỏ vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN... Và đi đâu, Thủ tướng cũng liên tục nhắc những việc này.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu địa phương hàng tháng, hàng quý phải đối thoại với DN nhằm mở ra nhiều kênh thu thập thông tin. Từ đó tháo bỏ một số vướng mắc khó khăn của DN như dán nhãn năng lượng, kiểm dịch thực vật, động vật… Trước sự sâu sát và quyết liệt của Thủ tướng, các bộ đã phải dè chừng hơn trong việc gây khó khăn hoặc tạo ra rào cản đối với DN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng rất năng động và ráo riết chỉ đạo các vấn đề mà lâu nay ít người chú tâm như việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, giảm chi phí, tăng tỷ suất lợi nhuận/vốn;… Đặc biệt là Phó Thủ tướng trực tiếp ráo riết chỉ đạo việc xử lý các dự án thua lỗ mà không gây tốn tiền…
Các hành động và chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, của các Phó Thủ tướng đã lay động DN và người dân, việc thực hiện các chỉ đạo đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn xa so với yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt hướng tới chuẩn OECD và ASEAN-4, và chúng ta đã đạt được gì?
Môi trường kinh doanh của Việt Nam so với trước thì có cải thiện nhưng so với yêu cầu cải cách đất nước, đưa nền kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng bền vững thì còn khoảng cách lớn. Những thay đổi đã làm được mới chỉ là những vụ việc cụ thể, chỉ mới là tháo gỡ khó khăn của một vài nhóm DN chứ chưa phải tất cả. Mới chỉ là xử lý vụ việc, cải thiện chứ chưa phải là cải cách.
Cách làm kiểu cải thiện không cải cách được diện rộng. Vậy phải cải cách toàn diện triệt để và dứt khoát hơn chứ không phải là xử lý giải quyết từng vụ việc như hiện nay. Vì vậy phải làm mạnh phá thành trì trì trệ, phá thứ bảo thủ, phá thứ kìm hãm để bừng nở thu hút nguồn lực, bừng nở tinh thần khởi nghiệp…
Môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện nhưng so với yêu cầu cải cách đất nước, tăng trưởng bền vững thì còn khoảng cách |
Nghịch lý: quản lý cắt khúc, “ngồi chăm chăm để cấp phép”
Được biết khi Thủ tướng đề nghị ông cho biết về tình hình bức xúc nhất là gì, ông đã nói về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và trực tiếp đề nghị Thủ tướng cho cắt bỏ gần 3.000 ĐKKD. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Việc cải cách các ĐKKD là một yêu cầu mang tính quyết định để tăng quy mô và chất lượng của phần cung nền kinh tế, để tăng trưởng GDP đạt mức 7-8%/năm. Nếu không, tăng trưởng GDP không thể vượt lên mức đó. Các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD là một trong những vấn đề bức bối trong hệ thống pháp luật về kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.
Theo dõi vấn đề này 20 năm, tôi suy nghĩ mãi và thấy rằng về mặt ngôn ngữ, khó tìm ra được một từ để mô tả tính phức tạp của các quy định về ĐKKD, phải kết hợp với các hình ảnh nữa mới mô tả được bản chất của nó. Tính chất phức tạp và sự bất hợp lý, thậm chí vô lý của ĐKKD đã hạn chế sự phát triển các sản phẩm mới, quy trình mới, cách làm mới và công nghệ mới trong nền kinh tế, làm cho tính năng động của nền kinh tế kém hơn.
Có thể lấy ví dụ cho câu chuyện này là ĐKKD về xuất khẩu gạo đòi hỏi DN nào kinh doanh xuất khẩu gạo cũng phải có kho bãi. Đây là một điều kiện bất hợp lý, làm tăng chi phí và cũng lãng phí đầu tư của DN và ngược với nguyên tắc thị trường, là chuyên môn hóa chia sẻ rủi ro. Thay vì DN “làm cả”, DN có thể đi thuê kho của DN chuyên cho thuê kho bãi, như vậy kho bãi sẽ có hiệu suất sử dụng cao hơn, rủi ro được san sẻ…
Như ông vừa nói, Chính phủ và Thủ tướng rất ráo riết. Nhưng ngay như việc cắt giảm ĐKKD bất hợp lý thì cắt được điều kiện này, lại có thêm điều kiện khác, vì đâu?
Bởi cách thức quản lý rất tốn kém, hành chính, hình thức mà không có hiệu lực do ở nước ta có nghịch lý là quản lý cắt khúc, “ngồi chăm chăm để cấp phép”. Quản lý nền kinh tế như thế “chả giúp gì được cho DN” mà chỉ bảo vệ quyền, lợi ích của người liên quan. Vì thế nên bỏ khoảng 1/2 danh mục hàng hoá đang bị kiểm tra chuyên ngành, ĐKKD nhằm loại bỏ những rào cản gia nhập thị trường, loại bỏ những thứ hạn chế năng động, sáng tạo, cách làm mới.
Vậy phải làm thế nào để khuyến khích tinh thần kinh doanh, phải làm thế nào để cải cách chứ không phải cải thiện, thưa ông?
Muốn thay đổi thì không thể xử lý theo kiểu từng văn bản, vụ việc. Nếu thay đổi nhỏ giọt, cả hệ thống cũng vẫn sẽ tiếp tục theo cách cũ. Cần thay đổi toàn diện, đột phá, từ đó thay đổi cách thức quản lý. Phải có hệ quy chiếu để thực hiện. Nước ngoài họ luôn luôn thay đổi, vì DN, vì sự phát triển. Muốn bằng họ, phải xây dựng hệ quy chiếu của mình như quy chiếu của họ thì nền tảng mới thay đổi.
Cải cách toàn diện không chỉ cải cách quy định mà còn cần thay đổi năng lực quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên hệ thống thông tin phân loại hàng hoá, dựa trên mức độ rủi ro và tuân thủ của DN.
Kỳ vọng của ông về cải cách toàn diện?
Cải cách “sẽ rất dễ và cũng có thể rất khó”. Sẽ rất dễ nếu được các Bộ trưởng đồng tình ủng hộ, tạo động lực từ bên trong và sức ép từ bên ngoài. Nếu chỉ dừng lại ở cam kết mạnh mẽ thì chưa đủ, mà phải hành động theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý, để đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ Thủ tướng trong nỗ lực cải cách. Phải tạo sức ép để các bộ trưởng phải thay đổi, đồng lòng vì sự phát triển của quốc gia, không thể để nền kinh tế cứ trì trệ mãi được. Sức ép có thể đến từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, từ báo chí. Còn nếu không thì việc cải cách sẽ rất khó.
Xin cảm ơn ông!