Cải thiện chỉ số thông tin tín dụng
Tìm hiểu về hệ thống sản phẩm của CIC | |
Nâng cao chất lượng cơ sở thông tin tín dụng quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu |
Buổi tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia của IFC và CIC chia sẻ với các đơn vị tham dự về kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn hoạt động trao đổi thông tin tại Việt Nam và tầm quan trọng của hoạt động này với sự phát triển với nền kinh tế nói chung và hoạt động thông tin tín dụng (TTTD) nói riêng.
Sự kết hợp đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng |
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC cho biết, trên thực tế, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý giúp cho các cơ quan chia sẻ được những nỗ lực trong xây dựng chính sách và đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả những chính sách này. Yêu cầu phối hợp chia sẻ thông tin đặt ra bất cứ khi nào công việc phải thực hiện với sự tham gia của hơn một cơ quan, tổ chức.
Phối hợp giúp phân bổ hiệu quả các nguồn lực (như tài chính, con người) nhằm đạt được các mục tiêu chính sách; đảm bảo cho tất cả các cơ quan liên quan có những hành động cần thiết nhằm thực hiện các chính sách của Chính phủ; đảm bảo cho những chính sách trong lĩnh vực này không gây ra những ảnh hưởng xấu cho lĩnh vực khác.
Xét từ khía cạnh quản lý nhà nước, phối hợp là một phương thức, một quy trình kết hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức lại với nhau để bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức này thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhằm đạt được các lợi ích chung.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển và Marketing cho biết, hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu của CIC đã kết nối với 119 TCTD, 1008 quỹ tín dụng nhân dân, 21 tổ chức tự nguyện và 3 tổ chức tài chính vi mô với hơn 25,3 triệu hồ sơ khách hàng vay được lưu trữ và hơn 33.000 tài khoản khai thác sử dụng trên toàn quốc.
Tính đến năm 2015, có 41,7 triệu người chưa từng có quan hệ tín dụng, chiếm 44,69% tổng dân số Việt Nam. Như vậy, phần lớn người dân Việt Nam, đặc biệt là bộ phận người dân có thu nhập thấp, chưa từng được tiếp cận tín dụng để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, các thông tin tài chính truyền thống chỉ giúp ích cho khách hàng vay đã có trong danh sách khách hàng TTTD được ghi nhận tại các TCTD, còn một bộ phận lớn các khách hàng có thu nhập thấp, họ không có tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp không có giá trị sẽ có cơ hội tiếp cận tín dụng rất thấp.
Ở Trung Quốc, người dân có thể vay những khoản vay nhỏ mà không cần có tài sản đảm bảo. Người cho vay đơn giản căn cứ vào lượng thông tin khổng lồ và hữu ích trên các ứng dụng điện thoại, mạng lưới các quan hệ xã hội trực tuyến của người đi vay…
Các thông tin về tin nhắn, số lượng bạn trực tuyến, thời gian đăng ký sử dụng điện thoại, sử dụng điện thoại để mua sắm và chơi điện tử… đều có thể trở thành các thông tin để dự đoán khả năng trả nợ của khách hàng vay.
Nhờ những thông tin linh hoạt và khổng lồ đó, hàng triệu người dân Trung Quốc đã có thể tiếp cận tín dụng trong khoảng thời gian một ngày thay vì hàng tháng hay hàng tuần như phương pháp truyền thống, để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu như mua quần áo, sách vở, đầu tư kinh doanh nhỏ lẻ…
Đây là khoản tín dụng trong mơ của biết bao gia đình, bởi theo con số thống kê năm 2014 thì có tới 84% gia đình Trung Quốc không bao giờ có thể vay từ ngân hàng vì họ không có tài sản thế chấp có giá trị. Thực tế cho thấy, mặc dù người cho vay chỉ căn cứ vào các thông tin phát sinh từ đời sống hàng ngày của khách hàng vay liên quan đến điện thoại di động, nhưng tỷ lệ khách hàng trả nợ đúng hạn đang ở mức khá cao.
Theo đó, mục đích mang các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng đến với đại bộ phận người tiêu dùng ở Trung Quốc phần nào đã đạt được. Đây là một kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
Vì vậy, sự kết hợp kho dữ liệu sẵn có của CIC với các thông tin khách hàng từ các ngành nghề khác như hóa đơn điện, hóa đơn nước sạch, hóa đơn gas, điện thoại, truyền hình cáp - các thông tin có tính phổ thông, có tính chất của gia đình và có thể tin cậy, sẽ tạo nên nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng để đánh giá khách hàng vay chưa từng có quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Đồng thời, các công ty dịch vụ tiện ích có thể sử dụng một số kết quả chấm điểm của CIC để đánh giá danh mục khách hàng của mình. Về bản chất, các ngành nghề tuy hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng đều có chung một khách hàng, vì vậy trao đổi thông tin ngoài ngành sẽ mở rộng tầm nhìn cho các đơn vị tham gia về khách hàng của mình, khắc phục tình trạng bất cân xứng về thông tin giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ, nâng cao chất lượng danh mục khách hàng.
Ông Hùng Ngovandan, chuyên gia tài chính cao cấp Khối Tài chính & Thị trường khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, sự trao đổi thông tin giữa công ty TTTD và các công ty cung cấp điện, khí gas tự nhiên và cung cấp nước ở Mỹ rất phổ biến.
Đơn cử, trong 6 tháng kể từ khi Công ty cung cấp điện DTE bắt đầu tham gia báo cáo dữ liệu thông tin thanh toán vào cơ sở dữ liệu TTTD (tháng 6/2006), lượng khách hàng chậm thanh toán của công ty này đã giảm khoảng 80.000 tài khoản, đồng thời 8,1% tổng số khách hàng của DTE chưa từng có lịch sử quan hệ tín dụng đã có lịch sử quan hệ tín dụng hoặc điểm tín dụng.
Tương tự như vậy, nhờ chia sẻ dữ liệu khách hàng và nhận dữ liệu từ các cơ quan TTTD, công ty cung cấp nước Thames đã duy trì hồ sơ khách hàng luôn cập nhật, quản lý rủi ro khách hàng và thúc đẩy quá trình thu nợ. Rõ ràng sự trao đổi thông tin hai chiều đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho từng đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ trong nền kinh tế, với mục tiêu cuối cùng của sự phối hợp này là tạo ra sự thống nhất, đồng thuận, bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong quản lý.
Tuy nhiên, các đơn vị tham gia tọa đàm cũng thẳng thắn nêu ý kiến về sự hạn chế của khuôn khổ pháp lý quy định về sự trao đổi thông tin giữa các đơn vị quản lý; khó khăn khi thiết lập hệ thống các chuẩn kết nối, trao đổi cũng như hệ thống cấp mã định danh thống nhất và duy nhất trên cả nước; nguồn kinh phí đầu tư tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả, tính thống nhất và đồng bộ trong trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu…
Với mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, trong đó nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của khách hàng vay, buổi tọa đàm đã mở ra triển vọng cho hoàn thiện chỉ số TTTD.
Sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa CIC và các đơn vị tiện ích sẽ đem lại lợi ích cho các bên. Về phía CIC, đây sẽ là những thông tin tin cậy bổ sung vào kho dữ liệu thông tin về lịch sử vay trả nợ của khách hàng, để có sự khắc họa toàn diện hơn về khách hàng vay, phục vụ cho nhu cầu quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, TCTD và các tổ chức tài chính khác.
Từ đó nâng cao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, tăng thêm nguồn thông tin để tiếp cận khách hàng vay tiềm năng. Về phía các đơn vị tiện ích, sử dụng TTTD sẽ giúp các đơn vị khắc phục sự thất thoát các khoản phí do khách hàng không có khả năng chi trả khi các đơn vị quan sát lịch sử quan hệ tín dụng của khách hàng.
Xa hơn là, xã hội sẽ huy động cao nhất nguồn thông tin sẵn có và các nguồn lực khác trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thiết thực, khả thi và hiệu quả. Song hành với công tác triển khai cổng thông tin kết nối khách hàng vay, CIC hy vọng khai thác TTTD sẽ đem lại lợi ích cho toàn xã hội, góp phần đánh giá thực chất năng lực của các chủ thể trong nền kinh tế, làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.