Cần dứt khoát với xử lý nợ xấu
Khi liên ngành vào cuộc xử lý nợ xấu | |
Xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm của hệ thống ngân hàng | |
Để giảm lãi suất cho vay phải tiết giảm chi phí, xử lý nợ xấu |
Ông Lê Xuân Nghĩa |
Xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu là mong muốn không chỉ của ngành NH, mà của Chính phủ và cả xã hội. Nhưng trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để làm được điều này cần cơ chế đặc biệt, và Chính phủ cần có nguồn lực tập trung rất lớn. Tuy nhiên trong điều kiện ngân sách còn khó khăn hiện nay, rất khó để Chính phủ thu xếp đủ vốn. Vì vậy, công cuộc xử lý nợ xấu phải áp dụng phương pháp hỗn hợp: một phần nợ xấu xử lý tập trung tại VAMC; phần lớn còn lại dựa vào sức mạnh, nỗ lực của các NHTM.
Thực tế cho thấy, phương pháp hỗn hợp trên vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn, thưa ông?
Đúng vậy. Bởi nếu chúng ta không có nguồn tài chính đủ lớn để xử lý khối lượng nợ xấu lớn, thì phải có nguồn lực khác bổ sung thay thế. Mà nguồn lực duy nhất đó là cơ chế. Và với hai mảng cơ chế cần tập trung, theo tôi, trước tiên là tạo điều kiện VAMC bán nợ một cách thông thoáng nhất. Cụ thể, tạo cho họ một cơ chế thị trường và không lệ thuộc vào giá mua vào mà điều quan trọng nhất là làm thế nào để cho khách hàng chấp nhận giá bán ra của VAMC. Hai là, cơ chế để cho các NH tự bán được tài sản đảm bảo.
Nếu hai cơ chế này được áp dụng thuận lợi thì nợ xấu được xử lý một cách nhanh chóng. Nhưng, tôi nghĩ rằng hai cơ chế này sẽ đụng chạm đến nhiều luật liên quan, nhất là liên quan đến tài sản rất phức tạp. Còn các NHTM thực sự họ có khả năng nhất định để xử lý nợ xấu, nhưng với điều kiện thị trường BĐS phục hồi ít nhất như hiện nay.
Đụng đến vấn đề cơ chế rất phức tạp, nên lúc đầu chúng tôi cũng cố gắng thuyết phục nhà quản lý tìm kiếm nguồn ngân sách nào đó dùng để xử lý nợ xấu. Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy thời điểm hiện tại, ngân sách Nhà nước rất khó khăn, các khoản dự trữ của NHTW và Bộ Tài chính cũng hạn hẹp. Trong bối cảnh này khó tìm ra nguồn nào ngoài vay nước ngoài. Nhưng vấn đề này không phải chuyện đơn giản.
Vậy, cứ để NH đơn phương xử lý như vậy sao, thưa ông?
Tất nhiên là không. Chúng ta thấy Chính phủ hiện nay đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách gỡ bỏ mọi rào cản về hành chính, tạo điều kiện cho DN có cơ chế hoạt động thông thoáng hơn, và NH cũng là DN. Sự hỗ trợ này cũng rất quan trọng.
Trước mắt, nếu không có nguồn lực để xử lý nợ xấu tập trung mà dựa vào nguồn lực từng NH, chấp nhận thời gian xử lý nợ xấu kéo dài. Tôi nghĩ rằng Bộ Tài chính, NHNN và cả Chính phủ đều biết điều này. Và tôi đang trông đợi đề án TCC hệ thống NH giai đoạn 2016-2020 của NHNN trình Chính phủ.
Theo ông, đâu là mấu chốt tạo sự thông thoáng cho thị trường mua bán nợ?
Hiện tại chỉ có VAMC, DATC mới có thể mua bán nợ, còn các NHTM chỉ lo giải quyết phần nợ và cả tài sản đảm bảo nằm trong diện quản lý của họ chứ chưa có cơ chế để NH hoạt động trên thị trường mua bán nợ phổ thông. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, ngoài việc cho phép VAMC mua bán nợ một cách phổ biến thì còn phải làm thế nào để hàng hóa dễ giao dịch. Và thực tế, nghiệp vụ mua bán nợ không quá khó để thực hiện nếu chúng ta gom tài sản đảm bảo lại tổ chức đấu thầu bán. Nhưng ở Việt Nam khó thực hiện được bởi vì cơ chế đấu thầu phức tạp, khó khăn.
Theo tôi, đối với VAMC tốt nhất mời công ty nước ngoài tư vấn gom khoản nợ xấu, chứng khoán hóa thành gói trái phiếu hoặc là cổ phiếu phát hành ra thị trường, kêu gọi cả NĐT trong và ngoài nước tham gia. Người mua sẽ không phải mua dưới dạng tài sản mà là giấy tờ có giá.
Ngoài ra, tiếp tục yêu cầu các NHTM tự xử lý. Tôi nghĩ rằng trong quá trình xử lý nợ xấu chúng ta cũng phải có thái độ dứt khoát đối với các NH. NH nào xử lý được thì tồn tại, còn NH nào không xử lý được nợ xấu, mất vốn buộc phải sáp nhập. Nếu họ tự giải quyết mua bán được thì không nhất thiết phải mua với giá 0 đồng, và tôi nghĩ lúc bấy giờ NHNN chỉ cần đứng ra đỡ đầu bảo đảm quyền lợi người gửi tiền trước dân chúng.
Xin cảm ơn ông!