Khi liên ngành vào cuộc xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm của hệ thống ngân hàng | |
Để giảm lãi suất cho vay phải tiết giảm chi phí, xử lý nợ xấu | |
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu |
Ngày 9/8, lần đầu tiên Công an TP. Hà Nội và NHNN chi nhánh TP. Hà Nội phối hợp tổ chức hội nghị về công tác xử lý nợ xấu (XLNX). Những kiến nghị thẳng thắn, có phần bức xúc của “những người trong cuộc” phần nào cho thấy vấn đề XLNX còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Phóng viên Thời báo Ngân hàng trích lược một số ý kiến đại biểu tham dự hội nghị này.
Phó giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Hoàng Việt Trung:
Nâng cao nhận thức, vận dụng cơ chế phù hợp
Cơ chế, chính sách về XLNX, tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD, VAMC xử lý. Để giải quyết hiệu quả số nợ xấu tích tụ trong nhiều năm qua với nỗ lực riêng của ngành NH là chưa đủ, mà cần có sự tham gia quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan công an và DN. Đồng thời phải có cơ chế phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trowng xử lý TSĐB |
Để làm được điều này, tôi cho rằng trước hết cần phải nâng cao nhận thức, khả năng phối hợp giữa các cơ quan pháp luật, chính quyền cơ sở và NH trong công tác XLNX. Nếu nhận thức đúng được điều này thì các giải pháp đưa ra cũng như thực hiện mới hiệu quả.
Tôi lấy ví dụ, để chuẩn bị cho hội nghị này, NHNN chi nhánh TP. Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu các TCTD, chi nhánh TCTD báo cáo tình hình và đề xuất kiến nghị nhưng chỉ có một số đơn vị gửi báo cáo đúng thời gian, nội dung đầy đủ, trách nhiệm.
Trong khi đó cũng có nhiều đơn vị không gửi báo cáo hoặc có gửi nhưng nội dung rất sơ sài, chiếu lệ. Việc này có thể xuất phát do một số TCTD chưa thật sự tin tưởng và cho rằng, cung cấp hồ sơ, thông tin để công an hỗ trợ thu hồi nợ xấu, chưa biết có thu hồi được không. Nhưng lại có thể bị cơ quan công an tiến hành điều tra, xử lý... Nhận thức như vậy, theo tôi là phiến diện, cần phải thay đổi.
Bởi trong Kế hoạch số 51 của Bộ Công an, Kế hoạch số 72 của công an TP. Hà Nội đã nêu rõ: phương châm xử lý các vụ án, vụ việc là kiên quyết không bỏ lọt tội phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự vụ việc do phức tạp nội bộ, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD và an ninh tiền tệ. Trong đó ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý về mặt kinh tế, dân sự để khắc phục hậu quả và thu hồi tối đa tiền, tài sản cho NH.
Thiếu tướng - Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ và đầu tư (A84) Nguyễn Hùng Lĩnh:
Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm
Để XLNX và thu hồi tài sản thế chấp hiệu quả hơn, cơ quan công an có trách nhiệm bảo vệ cưỡng chế thu hồi. Người nào chống lại lực lượng thi hành công vụ thi hành án (THA) dân sự thì lực lượng công an có trách nhiệm phải bảo vệ, thậm chí bắt giữ.
Về phía NH, khi cho vay cần xét duyệt thật kỹ hồ sơ thẩm định vay để giảm rủi ro không đáng có như nâng khống giá trị tài sản, làm giả tài liệu… để đảm bảo đúng quy trình. Nhất là nâng cao khả năng cảnh giác, giáo dục cho các cán bộ tín dụng khi đi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Chúng tôi cũng hiểu thời điểm này tìm kiếm khách hàng tốt rất khó khăn nhưng không vì thế mà làm ẩu, để hạn chế được đầu vào của nợ xấu.
Trong thời gian tới, chúng tôi cũng hy vọng việc phối hợp giữa hai bên thực hiện được nhiệm vụ chung mà Thủ tướng giao trong vấn đề XLNX. Về phía A84 sẽ làm hết trách nhiệm của mình. Nhưng mặt khác, TCTD cũng phải được phát triển lành mạnh, không để những NH yếu kém gây đổ vỡ dây chuyền...
Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Techcombank Thiệu Ánh Dương:
Cần hướng dẫn cụ thể về hoạt động xử lý TSBĐ
Dù được quyền khởi kiện ra tòa nhưng hoạt động tố tụng, thi hành án kéo dài, nhất là đương sự chây ì, cố tình vận dụng luật để trì hoãn việc trả nợ gây nhiều khó khăn cho NH. Nhất là sự hiểu chưa đúng, chưa đồng bộ về pháp luật đã ảnh hưởng rất nhiều không chỉ quá trình XLNX của NH mà còn tạo hình ảnh xấu về NH, trong khi đó thực tế là NH gặp nhiều khó khăn, thậm chí cả về tính mạng khi đi thu hồi nợ.
Có những trường hợp NH thực hiện đúng luật, đúng quy trình để thu giữ tài sản nhưng chính quyền địa phương lại yêu cầu NH phải trả tài sản thu giữ hoặc không cho thu giữ khi cho rằng hoạt động này là trái pháp luật… Trong khi đó mọi hoạt động thu giữ của Techcombank đều thực hiện theo đúng quy trình, quy định pháp luật như đều gửi thông báo trước kèm theo hồ sơ pháp lý về việc thu giữ tài sản đến chính quyền địa phương.
Trước đó, NH cũng gửi thông báo yêu cầu và cho thời gian đương sự tự nguyện nộp tài sản. Với trường hợp chỉ có một tài sản duy nhất, NH cũng có chính sách hỗ trợ rõ ràng… Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ khách hàng phải có thiện chí bàn giao tài sản. Có khách hàng nợ không trả, nhà vẫn ở, NH đưa tiền hỗ trợ không nhận...
Để hoạt động thành công hơn góp phần đẩy nhanh XLNX tôi kiến nghị cơ quan chức năng có những chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về hoạt động xử lý TSBĐ theo quy định tại Nghị định 163, đảm bảo an toàn tính mạng cho người thu giữ cũng như giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
Phó cục trưởng Cục Thi hành án Chu Quang Tiến:
Tòa án cần tuyên rõ nghĩa vụ bảo đảm bên thứ ba
Theo tổng kết thực trạng việc THA liên quan đến tín dụng, NH 6 tháng đầu năm, đến hết ngày 30/6 thì tỷ lệ các vụ án tín dụng NH được giải quyết rất thấp mới xấp xỉ 4%, giá trị tiền chỉ được 7%. Vì sao thấp như vậy?
Khó khăn lớn nhất là đối với bản án quyết định tại tòa tuyên không rõ nghĩa vụ bảo đảm (nợ gốc, nợ lãi) từng tài sản thế chấp của bên thứ ba trong khi họ nhiều TSBĐ. Những vụ việc như vậy phải xác định cụ thể từng tài sản, nợ gốc, lãi ra sao thì cơ quan THA mới thực hiện được.
Cục THA đề nghị Tòa bổ sung, chỉnh sửa nhưng rất chậm, chưa kể sự phối hợp của TCTD chưa được tốt. Có những vụ TCTD cho biết không xác định được nghĩa vụ từng TSBĐ, nợ gốc lãi là bao nhiêu thì Tòa lại càng không xác định được. Tôi được biết, quan điểm của TAND TP. Hà Nội về việc này là nếu cơ quan THA không thi hành được thì kiến nghị lên Giám đốc thẩm. Nếu làm thế thì TCTD càng khó khăn hơn trong thu hồi tài sản. Vì vậy, các TCTD cần phối hợp chặt chẽ, cung cấp các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp của người phải THA và của người thế chấp đảm bảo cho các khoản vay…