Khi lãi vay được giảm một nửa
VPBank giảm 1% lãi suất cho vay với doanh nghiệp SME | |
Chủ động giảm lãi suất | |
NH đầu tiên giảm lãi suất cho vay sau quyết định giảm lãi suất của NHNN |
Lãi chưa đến 3%
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng giám đốc CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết, từ đầu quý II/2017 đến nay, DN của ông tỏ ra khá lạc quan với kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận, vì từ tháng 4/2017, Antesco đã được Agribank An Giang chính thức cấp hạn mức cho vay 3 triệu USD/năm để phục vụ sản xuất xuất khẩu nông sản.
Theo ông Đấu, hiện nay mỗi năm Antesco xuất khẩu khoảng 25.000 tấn rau, quả. DN này đang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất rau quả khép kín tại An Giang do vậy nhu cầu vốn thường xuyên để thu mua nguyên liệu rất lớn. Năm 2016, chi phí để sản xuất và thu mua nguyên liệu của Antesco ước khoảng trên 307 tỷ đồng. Vì thế, nếu không vay được vốn lãi suất thấp từ các ngân hàng thì lợi nhuận của DN sẽ bị ảnh hưởng rất nặng do chi phí trả lãi tăng cao và DN bị ràng buộc về giá mua nguyên liệu theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Với hạn mức tín dụng 5,2 triệu USD được Agribank và BIDV An Giang cấp cho trong năm nay, nếu hoán đổi sang tiền đồng để thu mua nguyên liệu, DN có khoảng 120 tỷ đồng lãi suất dưới 5%/năm để thu mua nguyên liệu.
Ảnh minh họa |
Một cán bộ Agribank An Giang cho biết, hiện lãi suất vay USD đối với Antesco khoảng 2,7%/năm đối với kỳ hạn ngắn. Nếu DN bán lại USD cho ngân hàng sau đó nhận về VND thì cộng tất cả các phí và chênh lệch tỷ giá thì mức chi phí DN thực phải trả cho ngân hàng khoảng 4%/năm. Mức này thấp hơn khoảng 3% so với vay vốn trực tiếp bằng tiền VND, do lãi suất cho vay ngắn hạn VND với các DN thực hiện liên kết chuỗi như Antesco khoảng 7%/năm.
Trường hợp các DN xuất khẩu được hưởng lợi từ việc vay USD hoán đổi sang nội tệ như Antesco kể trên không phải là hiếm. Chẳng hạn, tín dụng ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn TP.HCM có mức tăng hơn 9% (trong 6 tháng đầu năm 2017) gần bằng tốc độ tăng chung của tín dụng trên địa bàn.
Cần tiếp tục hỗ trợ DN
Trên thực tế cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2017, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt khoảng đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay theo quy định tại Thông tư 31/2016 của NHNN, hoạt động cho vay ngoại tệ đối với DN xuất khẩu có mục đích sử dụng vốn thu mua nguyên liệu trong nước sẽ kéo dài đến hết năm 2017. Do đó, hoàn toàn có thể nhận định là trong các tháng vừa qua nhiều DN đã tận dụng được nguồn vốn vay ngoại tệ để giảm bớt chi phí trong kinh doanh hàng xuất khẩu.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 5/2017, kim ngạch nhập khẩu của cả nước cũng đạt khoảng 82 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ, chứng tỏ rằng nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán của các DN nhập khẩu cũng đã tăng khá mạnh từ đầu năm. Điều này cho thấy lợi ích từ chênh lệch lãi suất và tỷ giá từ đầu năm đến nay được chia đều cho cả hai phía xuất khẩu và nhập khẩu.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, nguồn cung ngoại tệ hiện khá dồi dào từ dòng vốn FDI, FII và các hoạt động M&A. Dự báo, xu hướng giảm nhẹ của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trong thời gian sắp tới, tỷ giá VND/USD kỳ vọng sẽ không có nhiều biến động. Tuy nhiên, mức lạm phát 5 tháng đầu năm được ghi nhận bình quân khoảng 4,47%. Vì thế lãi suất VND vẫn ở mức hấp dẫn thích hợp để vừa có thể hỗ trợ kinh tế nhưng cũng có thể duy trì sự ổn định của tỷ giá.
Từ phía các DN, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP may Sài Gòn (GMC) cho rằng, việc đồng USD tăng giá vừa qua có thể trước mắt chưa tác động ngay đến tỷ giá VND/USD. Đối với các DN vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu, theo ông Hùng các tháng tới những lo ngại chính không phải là tỷ giá giữa VND/USD mà là tỷ giá chéo giữa các đồng ngoại tệ mạnh. Chẳng hạn, hiện nay GMC cũng đang vay vốn bằng USD từ các NHTM phục vụ thanh toán nhưng lại xuất khẩu 100% mặt hàng sản xuất ra nước ngoài nên nguồn thu về cũng bằng USD. Việc đồng USD lên giá sẽ tác động đến tỷ giá EUR/USD, ảnh hưởng đến giá tiêu thụ trên thị trường châu Âu, vì đây là thị trường xuất khẩu rất lớn đối với nhiều DN trong nước.
Ngoài ra, ở phía xuất khẩu đại diện một DN thủy sản ở Trà Vinh cho rằng, hiện nay việc FED tăng lãi suất USD đang tạo thuận lợi cho DN cạnh tranh nhưng các DN nào nhập khẩu nhiều không có nguồn ngoại tệ tái tạo từ xuất khẩu cũng bắt đầu lo ngại rằng đến thời điểm cuối năm 2017 sẽ phải hoàn trả các khoản vay ngoại tệ và không được phép vay lại nếu như không có thêm quy định ràng buộc. Do vậy, để tránh tình trạng tín dụng ngoại tệ bị đứt quãng như thời điểm quý II năm ngoái thì NHNN cần sớm có kế hoạch tiếp tục chính sách cho vay ngoại tệ hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới.