Chất cấm trong chăn nuôi: Người dân phải tự bảo vệ mình?
Giải đáp về mức độ xử phạt đối với hành vi sử dụng chất cấm trong nuôi trồng | |
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Phạt chưa đủ nặng để răn đe | |
Kiểm soát chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi |
Khi nỗi lo quay trở lại
Câu chuyện thực phẩm bẩn đang quay trở lại, ngày càng gây quan ngại. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, phản ứng của người tiêu dùng bằng cách dừng ăn thịt lợn và chuyển sang ăn thực phẩm khác đã từng phát huy hiệu quả, “nhấn chìm” câu chuyện chất tồn dư trong chăn nuôi lợn bắt đầu “nóng” từ năm 2006. Nhưng bản chất câu chuyện sử dụng chất cấm chưa bao giờ loại ra khỏi hoạt động chăn nuôi, giờ đây quay trở lại và gây bức xúc hơn.
“Sau quý I/2012, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã tạm thời được lắng xuống, thì đến năm 2015 vấn đề sử dụng chất cấm trong nuôi lại bùng phát trở lại với quy mô và tính chất phức tạp không chỉ được phát hiện việc sử dụng chất cấm ở nhiều địa phương mà còn xuất hiện ở nhiều đối tượng”, ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.
Lô hàng thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm bị thu hồi và niêm phong |
Nếu như thời điểm 2012, các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng chủ yếu phát hiện chất cấm được sử dụng trong các cơ sở chăn nuôi nông hộ, thì năm 2015 ngay cả các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trong các cơ sở chăn nuôi trang trại lớn… cũng “dính” vấn đề này.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an), năm 2014 và 2015, Các công ty dược đã nhập khẩu 9.140 kg, trong đó có 6.248 kg bán ra ngoài, không đúng đối tượng, sai mục đích. Hiện nay, trong kho của các DN này còn tồn khoảng 1.334kg, thu hồi 2.025 kg đã phối trộn Salbutamol - hóa chất tạo nạc phổ biến nhất nhưng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn thanh tra đi rà soát đột xuất một số cơ sở sản xuất kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2015, các đoàn này đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý 18 công ty có hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 2,6 tỷ đồng…
Phạt như “đấm bị bông”?
Bất chấp việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt có thể gây hậu quả khôn lường, thậm chí hủy hoại sức khỏe và cướp đi sinh mạng người dân, thì việc tiếp cận và sử dụng chất cấm khá dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước đây Bộ Y tế chưa có quy định đưa các chất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm đưa vào trong danh mục quản lý đặc biệt, nên vẫn còn hiện tượng các công ty dược bán không đúng mục đích và không đúng đối tượng.
Trong khi đó, cho dù Bộ luật Hình sự 1999 và 2015 đều có quy định xử lý đối với các vi phạm loại này, nhưng ông Nguyễn Văn Việt cho biết, cả Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và C49 đều không khởi tố được đối tượng vi phạm. Lý do là Bộ luật Hình sự cũ quy định cấu thành tội phạm theo nội dung, ảnh hưởng nghiêm trọng về tính mạng và sức khỏe khỏe con người thì mới có thể khởi tố.
“Đã không khởi tố được thì rất khó… “Hy vọng sau 1/7/2016, thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, thì tình hình sẽ thay đổi”, ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ.
Và trong lúc chờ đợi luật có hiệu lực để nền pháp trị có thể chặn lại xu hướng gia tăng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, người dân vẫn phải tự lo cho sức khỏe của mình là chính.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì trước mắt, bộ này sẽ tập trung cho hoạt động tuyên truyền và tập huấn. 63 tỉnh thành ký cam kết không dùng chất cấm, chăn nuôi theo VietGap và động viên các DN chăn nuôi top đầu sẽ dẫn đầu phong trào này để đồng hành cùng nhà nước không dùng chất cấm.
“Để phòng chống chất cấm trong chăn nuôi cần có quyết tâm chính trị cao, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; cần có cách làm mới, hiệu quả hơn. Mấu chốt của vấn đề là tìm được việc cung cấp các chất này từ đâu, sau đó sẽ tìm cách kiểm soát”, ông Vân nói.
Nhưng trong khi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng nhiều, người dân vẫn phải dọn lên bàn ăn thực phẩm kém chất lượng mỗi ngày một cách vô vọng, thì theo TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, mỗi năm Việt Nam có khoảng 126.000 ca mới mắc bệnh ung thư. Việc dùng các thực phẩm không an toàn, việc tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… là nguyên nhân.
Nên phải chăng trong lúc này, giải pháp cuối cùng hiệu quả là người dân lại phải quay lưng với thực phẩm trong nước?
- CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam là đơn vị sản xuất kinh doanh đa lĩnh vực song, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính xuyên suốt quá trình phát triển 20 năm qua vẫn là phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp tạo ra nguồn thực phẩm chất lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm theo mô hình 3F (thức ăn - con giống - thực phẩm sạch). Đây là lĩnh vực hoạt động thế mạnh của DN, chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng doanh thu và lợi nhuận của công ty. Thời gian qua với 6 nhà máy với công suất 800.000 tấn/năm đã đưa ra thị trường trên 200 mã sản phẩm của 8 thương hiệu, sản phẩm của tập đoàn hoàn toàn không có chất cấm, chất tạo nạc, chất kích thích sinh trưởng, không có dư lượng kháng sinh. Nguồn nguyên liệu để sản xuất được nhập khẩu và thu mua trong nước có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Tập đoàn Dabaco đã có chuỗi các sản phẩm chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho nhu cầu thị trường, cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. - CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk) hoạt động với phương châm “Con người chính là vốn quý, là chủ thể xã hội, đồng thời là nguồn lực chủ yếu quyết định sự phát triển của đất nước, của xã hội. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước và dân tộc. Vì lẽ đó, đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia”. Từ tầm nhìn đó, TH True Milk xây dựng 5 giá trị cốt lõi của sản phẩm TH: Vì sức khỏe cộng đồng; Hoàn toàn từ thiên nhiên; Tươi – Ngon – Bổ dưỡng; Thân thiện với môi trường; Tư duy vượt trội và hài hòa lợi ích. Qua đó, công ty đặt lợi ích của mình trong lợi ích chung; không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà tìm cách tối đa hóa lợi ích. Với TH True Milk, sản xuất thực phẩm sạch “Vì sức khỏe cộng đồng” là giá trị cốt lõi luôn theo đuổi. - Công ty TNHH Ba Huân là một trong những nhà cung cấp trứng sạch và thực phẩm hàng đầu tại khu vực phía Nam. Với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hệ thống xử lý và làm sạch trứng gia cầm bằng công nghệ hàng đầu châu Âu, sản phẩm trứng sạch từ Công ty TNHH Ba Huân đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến an tâm về sức khỏe cho người tiêu dùng. Trang trại chăn nuôi công nghệ cao của Công ty Ba Huân được kiểm soát chặt chẽ từ khâu vệ sinh, nguồn thức ăn đầu vào cho gia cầm. Chất lượng sản phẩm đầu ra cũng được kiểm soát hiệu quả và tuyệt đối. Công ty nhận thức rằng, cuộc chiến chống chất cấm trong chăn nuôi chỉ thắng lợi khi đi từ nhận thức của từng người và được sự đồng thuận, nhất trí của toàn xã hội. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực và sự cộng hưởng cao nhất từ mọi thành phần trong xã hội. |