Chật vật vào chuỗi liên kết
Nhật Bản hỗ trợ triển khai Dự án NH.09B | |
Môi trường đầu tư Việt Nam xấu đi trong mắt DN Nhật | |
Hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản mua cổ phần của Vietnam Airlines |
Tháng 7/2015 đánh dấu một sự kiện đặc biệt của xu hướng hợp tác DN nói trên, bằng việc ký biên bản hợp tác giữa Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Kể từ đó, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư song phương, giao lưu giữa DN hai nước được tổ chức.
Phía Nhật Bản đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống DN vệ tinh về công nghiệp hỗ trợ. Hội đàm thương mại và triển lãm công nghiệp hỗ trợ đã trở thành sự kiện thường niên mà JETRO tổ chức.
Tại đây, các DN Nhật Bản trưng bày sản phẩm mà họ muốn đặt hàng sản xuất, phía ngược lại là các DN Việt Nam trưng bày sản phẩm mà họ muốn bán. Để thông tin tổng quát về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, JETRO cũng đã xuất bản và cập nhật liên tục nội dung cho cuốn “Danh bạ các DN ưu tú của Việt Nam” bằng tiếng Nhật để giới thiệu và cung cấp cho các DN Nhật Bản những DN Việt có khả năng hợp tác...
Ảnh minh họa |
Nhiều nỗ lực và đầy cố gắng, nhưng mối liên kết DN Việt - Nhật vẫn chưa thể như kỳ vọng của hai bên. Tỷ lệ mua linh phụ kiện tại chỗ (nội địa hóa) của các DN Nhật Bản tại Việt Nam rất thấp, mới chiếm 32,1% trong năm 2015, có dấu hiệu sụt giảm so với mức 33,2% của năm 2013 (năm 2014 chỉ đạt 22,1%).
Trên thực tế, trong tỷ lệ nội địa hóa ấy, nếu trừ đi nhà cung cấp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, cũng được tính cho phần nội địa hóa, thì thực chất các DN trong nước chỉ còn chiếm 13,2% tỷ lệ nội địa hóa linh phụ kiện cung cấp cho các DN Nhật Bản.
Hạn chế về khả năng cung ứng linh kiện, sự trồi sụt trong quy mô hợp tác giữa DN hai nước nêu trên cho thấy tính thiếu ổn định về nguồn cung linh kiện từ Việt Nam, đưa đến một thách thức về khả năng “đuổi kịp” các đối tác khác của Nhật Bản tại khu vực. Bởi hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc là 64,7%, Thái Lan là 55,5%, Indonesia là 40,5%, Malaysia là 36%...
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết sản xuất giữa DN Việt Nam và Nhật Bản, thu hút các hãng sản xuất linh kiện của Nhật Bản đến Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại Hà Nội Atsusuke Kawada cho rằng, nên tập trung vào phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của một số ngành, sản phẩm. Trong đó, cơ hội đang đến với nhóm các sản phẩm: điện gia dụng, máy móc văn phòng và ô tô, bởi đây là những ngành hàng có nhiều DN Nhật Bản đã đầu tư thành công ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức là rất lớn.
Chẳng hạn như với ngành ô tô, nghịch lý là để hạ giá thành đảm bảo cạnh tranh thì phải tăng được quy mô sản xuất. Tuy nhiên, rào cản chính lại là thị trường trong nước còn nhỏ bé, ô tô sản xuất trong nước chưa có sức cạnh tranh mạnh.
Vì vậy, để cải thiện từng bước thực trạng hiện nay, theo ông Atsusuke Kawada, cùng với chính sách phát triển ngành mà Chính phủ đã ban hành, cần mở rộng đối tượng được hưởng các ưu đãi. “Tôi nghĩ rằng, việc xây dựng nhiều chính sách ưu đãi sẽ làm khuấy động mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của các hãng lắp ráp ô tô tại Việt Nam”, ông nói.
Tiếp nữa, ông Atsusuke Kawada chia sẻ thêm, Chính phủ Việt Nam cần có đề án rõ ràng cho việc hỗ trợ và “nuôi dưỡng” các DN ưu tú của Việt Nam một cách tập trung. Hiện rất nhiều hãng sản xuất lớn của Nhật Bản hoàn toàn trông cậy vào việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc về để sản xuất. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần dồn sự chú tâm vào việc nuôi dưỡng các DN Việt Nam để có thể sản xuất được những linh phụ kiện thay cho việc phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Có nhiều DN tư nhân của Việt Nam cũng đang rất quan tâm vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm. Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ tích cực đối với các công ty thực sự muốn làm như vậy”, ông Atsusuke Kawada nói.