Chính sách công nghiệp: Cần định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Ông Ludovico Alcorta, đến từ Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thẳng thắn nêu một gợi ý cho Việt Nam: Tác động của các tác nhân chi phối chủ yếu việc thay đổi cơ cấu và công nghiệp hóa như chi phí, công nghệ, nhu cầu và hiệu quả sử dụng tài nguyên đối với việc duy trì bền vững việc làm hoàn toàn phụ thuộc vào những chính sách công nghiệp được thông qua. “Vì vậy”, ông nói, “những chính sách công nghiệp này phải được định hướng nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế”.
Công nghiệp hóa là cơ hội để Việt Nam phát triển
Báo cáo Phát triển Công nghiệp 2013 với chủ đề “Duy trì tăng trưởng việc làm bền vững: Vai trò của sản xuất công nghiệp và thay đổi cơ cấu” vừa được UNIDO công bố cuối tuần qua. Báo cáo khẳng định, công nghiệp hóa là con đường tất yếu dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đây là sự phát triển theo hướng tăng năng suất và tạo thu nhập; giảm nghèo và tạo cơ hội cho hòa nhập xã hội…
Và khi mà một quốc gia tiếp tục phát triển nền công nghiệp của mình, họ có động cơ để nâng cao giá trị gia tăng. Điều này khiến họ tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật và đổi mới, khuyến khích tăng cường đầu tư vào xây dựng kỹ năng và giáo dục, đồng thời cung cấp nguồn lực để đạt được những thành quả phát triển có quy mô rộng lớn hơn.
Trong phiên thảo luận của nhóm đại biểu cấp cao, nhiều ý kiến tỏ rõ đồng tình với ông Ludovico Alcorta, cũng như những vấn đề nêu trong báo cáo lần này. Nhiều quan điểm nhấn mạnh vai trò của sản xuất công nghiệp, việc chuyển đổi ngành để tạo thêm việc làm trong những khu vực sản xuất có tính bền vững. Đây được coi là cơ hội rất lớn cho Việt Nam, để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Các chuyên gia nước ngoài nhận xét, Việt Nam đã có sự dịch chuyển trong các ngành công nghiệp, ví như ngành công nghiệp chế tác, khai khoáng từ tỷ trọng 5% lên đến 7%. Sự thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế cũng rất tích cực, đang đi theo đúng hướng... Nhưng, Việt Nam nên có sự dịch chuyển từ ngành công nghiệp dệt may sang công nghiệp điện tử. Bên cạnh sự thay đổi tích cực đó, Việt Nam vẫn đang kém hơn các đối thủ cạnh tranh, năng suất vẫn thấp hơn, giá trị gia tăng không bằng, trình độ công nghệ thấp…
“Việt Nam đang di chuyển chậm chạp để trở thành nước có thu nhập trung bình”, ông Ludovico Alcorta nhận xét. Đây cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia đang vấp phải. Theo ông, Việt Nam cần có sự đa dạng hóa để tạo nên sức mạnh tăng trưởng. Các ngành phải tạo thêm giá trị gia tăng, thúc đẩy tính cạnh tranh, đầu tư hơn nữa vào máy móc và tăng tính sáng tạo.
Thách thức cho Việt Nam và các quốc gia có thu nhập trung bình khác là phải có một loạt ngành mới như sản xuất kim loại cơ bản, cao su, nhựa, ngành hóa chất cơ bản, tạo sản phẩm mới cho xây dựng...
Xu hướng này cần được tính tới khi phát triển kinh tế. Các nước thu nhập trung bình có thể hưởng lợi khi tham gia vào những ngành như sản xuất kim loại cơ bản và chế tạo, cũng như sản xuất cao su và đồ nhựa. Đó là những ngành có tiềm năng tăng mạnh năng suất, tạo ra rất nhiều sản phẩm là hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư mà các ngành khác cần, có nhu cầu ngày càng tăng trên khắp thế giới...
Ông Patrick Gilabert, đại diện UNIDO tại Việt Nam cho rằng: Các ngành sản xuất công nghiệp mở ra cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế cho tất cả các quốc gia ở những giai đoạn phát triển khác nhau, giúp phát triển toàn diện. Việt Nam nên xem việc tham gia vào những ngành sản xuất có tính toàn diện, bền vững là cơ hội rất lớn cho phát triển.
Đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia quốc tế, ông Lê Hữu Phúc, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương) khẳng định, phát triển công nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam, để đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Hơn nữa, những năm vừa qua, có lúc các ngành tài chính, bảo hiểm, bất động sản nổi lên khiến nhiều người đã nghĩ những ngành này sẽ vượt hơn công nghiệp. Nhưng sau thời kỳ phát triển nóng, nhiều công ty trong các ngành này phải đóng cửa. Theo ông Phúc, điều này càng khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam việc tiến tới công nghiệp hóa.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ sự đồng tình rằng, tài chính, bất động sản không phải là ngành cốt lõi của nền kinh tế. Với Việt Nam, các ngành công nghiệp như dệt may, da giày nói riêng, công nghiệp nói chung vẫn là nơi tạo ra nhiều việc làm nhất. Và để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, bà đồng tình với phát hiện của UNIDO về tầm quan trọng của hoạch định chính sách.
Về vấn đề này, ông Ludovico Alcorta khuyến nghị: “Sẽ chỉ có hiệu quả nếu quá trình hoạch định chính sách cũng đóng vai trò quan trọng giống như nội dung chính sách”. Nhưng quan trọng hơn, phải xóa bỏ góc tối của vấn đề phát triển: Có chính sách nhưng thực thi kém.
Tri Nhân