Chứng khoán tuần: Chỉ số tăng mạnh, nhưng chớ vội ăn mừng
Việc VN-Index lập đỉnh cao mới ở trên 640 điểm hôm thứ Sáu vừa rồi là điều đáng chú ý. Từ góc độ chỉ số, thị trường đã "hàn gắn vết thường" hoàn toàn, nhưng từ góc độ cổ phiếu thì chưa. Đó chính là dấu hiệu thiếu bền vững của đợt tăng này.
Không nhiều cổ phiếu hoàn lỗ
Sự kiện Brexit ngày 24/6 đã khiến hầu hết cổ phiếu có một ngày suy sụp với mức giảm giá rất mạnh. VN-Index hôm đó đóng cửa giảm 1,8% với 403 cổ phiếu sụt giảm, 292 cổ phiếu giảm từ 2% trở lên.
Tuy nhiên điều khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn chính là ngày 23/6, VN-Index vẫn còn tăng gần 1% và 266 cổ phiếu tăng giá và chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2015. Ngay trước ngày bỏ phiếu Brexit, thị trường vẫn có một phiên tăng rất mạnh chứng tỏ rất nhiều nhà đầu tư đã mua vào để đặt cược rằng, ngày mai (24/6), sự kiện Brexit sẽ thất bại.
Việc đặt cửa sai dĩ nhiên phải trả giá bằng tiền. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã bốc hơi khỏi thị trường trong ngày 24/6. Tuần vừa qua là một tuần phục hồi liên tục, nhưng vốn hóa thị trường đã không thể “hoàn lại” đầy đủ số tiền đã bốc hơi. Mới chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cổ phiếu thực sự “hoàn lỗ”.
Thống kê tại sàn HNX, có 120 cổ phiếu đóng cửa ngày 1/7 ở mức giá cao hơn ngày 23/6. Sàn HSX có 115 cổ phiếu. Như vậy mới có 34,2% số cổ phiếu niêm yết ở hai Sở “hoàn lỗ” và đem lại chút lợi nhuận so với thời điểm trước khi xảy ra sự kiện Brexit.
Bất ngờ là ngay cả trong nhóm HSX30 – rổ của các blue-chips chi phối mạnh nhất lên VN-Index – số cổ phiếu “hoàn lỗ” chỉ là 10 mã, rổ HNX30 là 12 mã. Như vậy bản thân các blue-chips cũng chỉ đạt tỷ lệ gần 36,7%, không cao hơn mặt bằng chung toàn thị trường là bao nhiêu.
Một phần rất lớn trong số các cổ phiếu “hoàn lỗ” thống kê ở trên là các mã giao dịch lẻ tẻ vài trăm tới vài ngàn cổ phiếu mỗi ngày. Nói cách khác, đó là các biến động giá không đảm bảo chất lượng.
Nếu nhìn nhận tuần tăng giá vừa qua như một câu trả lời đanh thép cho sự kiện Brexit, thì quy mô giao dịch trên 3.000 tỷ/phiên hẳn phải là sự đổ xô vào giành giật cơ hội lợi nhuận. Tuy nhiên nếu đánh giá chất lượng của mức độ “hoàn lỗ” trên cơ sở lòng tham và sức mạnh của dòng tiền, thì thị trường lại cho thấy một bức tranh khá xấu.
Cụ thể, ví dụ thiết lập một giới hạn tối thiểu cho mức giao dịch trung bình ở cổ phiếu mỗi ngày trong tuần qua là 1 tỷ đồng, số cổ phiếu “hoàn lỗ” co lại rất nhỏ. Sàn HSX còn 61 cổ phiếu, sàn HNX là 21 cổ phiếu. Tỷ lệ lúc này chỉ còn chưa tới 12%.
Trên lý thuyết, việc phục hồi giá với quy mô giao dịch – hay thanh khoản – càng lớn thì chất lượng của biến động giá càng đảm bảo. Do đó việc giá tăng với thanh khoản thấp tuần qua gợi lên sự cân nhắc thận trọng.
Khối ngoại có làm đẹp NAV?
Điểm khá thú vị trong tuần phục hồi vừa rồi, chính là sự tương đồng của giá tăng chung, với thời điểm chốt báo cáo quý 2 của các tổ chức đầu tư. Kể cả khi có hay không một sự kiện bất ngờ nào đó tương tự Brexit thì trong quá khứ, các tuần cuối tháng 6 hàng năm thường là tăng điểm.
Thêm nữa, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm cuối quý thường là mua ròng. Tuần qua nếu tính riêng khớp lệnh hai sàn, khối ngoại mua ròng 240,1 tỷ đồng. Nếu tính cả thỏa thuận, giá trị đạt 255,6 tỷ đồng.
Con số này không phải là quá ấn tượng, nhưng trong bối cảnh lo ngại Brexit, việc dòng vốn nước ngoài tiếp tục mua là điều quan trọng nhất. Nếu như có sự sợ hãi lan tỏa trên thị trường và nhà đầu tư nước ngoài chịu sức ép nào đó trong việc giảm rủi ro thì hướng vận động của dòng vốn này bộc lộ rõ nhất.
Cho đến hết tuần vừa rồi, chưa có biểu hiện cụ thể nào của việc dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường. Cả hai quỹ ETF vẫn không thay đổi về quy mô. Tuy nhiên đó là thời điểm cuối quý, cũng như thời gian còn quá ngắn để đo lường tác động của sự kiện Brexit lên dòng vốn ngoại. Trên thị trường quốc tế, giá vàng, giá trái phiếu vẫn đang tăng cùng với thị trường chứng khoán tăng. Đồng Bảng Anh sau 2 ngày phục hồi sau cú sốc Brexit, đã bắt đầu hụt hơi và hai ngày cuối tuần lại giảm so với đồng USD.
Việc VN-Index đóng cửa ở đỉnh cao của 7 năm là một thời khắc quan trọng đối với thị trường. Một ngưỡng kháng cự có giá trị trong thời gian càng dài thì càng “rắn”. Chính vì thế nếu VN-Index bứt phá thành công, đó sẽ là một bước ngoặt lớn.