Chuyển vốn vào sản xuất nông sản sạch
Kỳ vọng nông nghiệp công nghệ cao | |
Cho vay "tam nông" sẽ có những thay đổi gì? |
Tiếp tục bơm vốn lãi suất thấp
Đầu tháng 5/2018, NHNN chi nhánh TP.HCM đã tổ chức buổi kết nối giữa các ngân hàng là Agribank, VietinBank, Sacombank với 119 khách hàng sản xuất kinh doanh rau, củ, quả sạch ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
Theo đó, tổng số vốn các TCTD cam kết cho vay đợt này là 6.98,8 tỷ đồng, trong đó Agribank có 6 chi nhánh tham gia với tỷ lệ vốn đăng ký chiếm đến 80% lượng vốn cho vay khách hàng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thực tế, các NHTM nhà nước gần đây cho vay kết nối ngân hàng – DN ở TP.HCM luôn chiếm tỷ trọng rất cao so với các TCTD khác.
Các DN khởi nghiệp đang rất cần vốn đầu tư trong giai đoạn ban đầu |
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank cho biết, 8/17 chi nhánh của Vietcombank ở TP.HCM trong năm 2018 đã đăng ký cho vay 29.061 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng năm các chi nhánh đều cho vay vượt hạn mức cam kết.
Trong tổng gói tín dụng hỗ trợ DN năm 2018 của 15 NHTM đăng ký cho vay 259.998 tỷ đồng ký kết đầu năm nay, NHNN chi nhánh TP.HCM luôn hướng các TCTD cấp vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo chủ trương, đối tượng phục vụ là những cá nhân và tổ chức kinh tế vay vốn sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ với lãi suất ngắn hạn là 6,5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn quanh mức 9%/năm.
Tuy nhiên, do đặc biệt ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên hiện nay, các ngân hàng giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ của khách hàng nếu còn tồn đọng từ các kỳ vay trước.
Ngoài ra, chính sách cũng cho phép các NHTM tăng hạn mức cho vay đối với những khách hàng tốt, cơ cấu lại kỳ hạn nợ theo quy định cho khách hàng trong chương trình kết nối ngân hàng – DN. Một số TCTD đang dịch chuyển tín dụng vào các DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để được bù lãi suất như một cách giảm bớt chi phí lãi vay.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện 15 ngân hàng trên địa bàn đang tập trung giải ngân gói tín dụng hỗ trợ DN đã đăng ký đầu năm; cho vay theo lĩnh vực ngành hàng. Hoạt động cho vay giữa các ngân hàng với các DN trên địa bàn quận, huyện do chính quyền cơ sở tự tổ chức. Cùng với đó, nắm bắt kịp thời những đơn vị khó khăn tiếp cận vốn tín dụng để có giải pháp tháo gỡ. Từ đó, các quận, huyện chủ động phối hợp với các chi nhánh NHTM để tập hợp danh sách về nhu cầu vốn của DN ở địa bàn, thông tin nhanh với NHNN chi nhánh TP.HCM.
Nhân công và thị trường là quan trọng nhất
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI đã từng nói, trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thì vấn đề lớn nhất là “nhân công và thị trường”. Giải quyết tốt các bài toán này thì nhu cầu vốn đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới phát triển.
Tại TP. HCM từ nhiều năm trước đã có nhiều hộ gia đình mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và địa phương này cũng là nơi hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao sớm nhất cả nước. Đây là nơi nghiên cứu phát triển sản xuất hạt giống rau, hoa lan, cây cảnh, xử lý trái cây bằng nhiệt, chế biến bảo quản nông sản, canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp sạch.
Hoạt động ươm tạo và công nghệ đã thu hút được 28 DN, điển hình như Đông Á, Bio.best, Niet, Padco, Linh Chi Việt, Maya garden… Khu nông nghiệp công nghệ cao này cũng đang tích cực mở rộng các quan hệ hợp tác. Trong hơn 88 ha diện tích mặt bằng tại khu, đến nay đã có 56,7 ha được các DN đầu tư. Thế nhưng, nông sản sạch cung cấp hàng ngày cho thành phố 13 triệu dân này vẫn là vấn đề nan giải.
Thực tế, nguồn rau củ quả của TP.HCM hiện nay, ngoài hệ thống siêu thị Satra, Sài gòn Co.op mỗi ngày cung ứng khoảng hơn 20.000 tấn sản phẩm, còn có 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thạnh Xuân, Tam Bình cung cấp ra thị trường khoảng gần 30.000 tấn rau quả. Đó là chưa kể các nguồn cung tự phát khác đang rất khó quản lý.
Chính phủ đã có Nghị quyết 55 khuyến khích các TCTD cho vay tín chấp với các mô hình hợp tác xã kiểu mới, DN cung ứng nông sản quy mô lớn có thể vay không cần tài sản đảm bảo đến 2 tỷ đồng. TP.HCM cũng có chính sách dùng ngân sách địa phương cấp bù lãi suất một lần cho mỗi phương án chuyển dịch nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, người nông dân vẫn khó tiếp cận được các nguồn lực tài chính do không đáp ứng nhiều điều kiện cho vay.
Thiếu các dịch vụ tài chính đi kèm
Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, cần phải tạo nguồn vốn đầu tư ban đầu cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, các tổ chức tài chính chỉ hỗ trợ vốn cho DN ở giai đoạn tăng trưởng, phát triển, trong khi giai đoạn khởi nghiệp thì DN gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian qua Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và Quỹ hỗ trợ xã viên của Liên minh các Hợp tác xã bảo lãnh cho các DN, hợp tác xã vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh còn chưa được nhiều. Trong khi đó, vai trò của các tổ chức cung ứng dịch vụ bảo hiểm, cho thuê tài chính, tư vấn công nghệ, tư vấn xúc tiến thương mại đến nay vẫn còn mờ nhạt.
Ông Thiện cho rằng, sự khác biệt về giá bán sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm thông thường không rõ nên rất khó thu hút các tổ chức cung ứng dịch vụ cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Để tạo điều kiện cho các DN phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Thiện cho rằng các NHTM nên căn cứ vào các hợp đồng cung cấp sản phẩm của DN đối với các nhà bán lẻ hiện đại hay các DN chế biến xuất khẩu để cung cấp tín dụng tương ứng với giá trị hợp đồng, tạo điều kiện cho các DN có đủ năng lực tài chính để sản xuất và cung ứng sản phẩm đều đặn cho thị trường.
Thực tế là thời gian thanh toán tiền hàng của các hệ thống bán lẻ thường kéo dài từ 3-4 tuần nên DN gặp rất nhiều khó khăn trong huy động đủ vốn để đáp ứng và điều tiết lượng vốn phù hợp, nên cần sự hỗ trợ của các TCTD.