Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh
“Cơ cấu ngân sách hiện nay chưa lành mạnh và chúng ta cần phải nỗ lực nhiều nữa”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày vừa qua.
Thủ tướng lưu ý, trong cơ cấu ngân sách hiện nay thu nội địa tăng chậm, bội chi có giảm, nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra, chi thường xuyên, lương ngày càng lớn, trong khi phần dành cho đầu tư phát triển ngày càng giảm.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước năm 2015 |
“Để đảm bảo được các nhu cầu chi tiêu và nâng cao tính bền vững của ngân sách nhà nước, điều cần thiết là xác định một cơ cấu thu ngân sách hợp lý, đúng đắn, từng bước tiến tới giảm nợ công”.
Đây là ý kiến của TS. Phan Hữu Nghị và ThS. Nguyễn Hồng Trang (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khi bàn về tính bền vững của cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước. Hai vị này cho rằng, tình hình thu ngân sách nhà nước trong nhiều năm vừa qua đã cho thấy thu ngân sách nhà nước còn thiếu tính bền vững do chưa hợp lý về cơ cấu các nguồn thu.
Mặc dù, có lẽ đã 10 năm có lẻ lại đây, chúng ta luôn hướng đến thay đổi cơ cấu thu ngân sách nhà nước để làm sao nguồn thu từ sản xuất kinh doanh trong nước tăng lên và giảm bớt phụ thuộc vào thu từ dầu thô và thu thuế xuất - nhập khẩu (XNK).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay, cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước (giai đoạn 2011-2015 khoảng 68%, trong đó năm 2015 khoảng 74%, cao hơn mục tiêu đề ra là 70%).
TS. Phan Hữu Nghị và ThS. Nguyễn Hồng Trang cho rằng, như vậy, thu ngân sách còn dựa khá nhiều vào nguồn thu từ thuế XNK và bán dầu thô mà các nguồn này lại phụ thuộc nhiều vào biến động và tình hình bên ngoài khiến cơ cấu thu ngân sách kém bền vững. Và đây là hai khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế. Hai vị này đề xuất cơ cấu thu ngân sách cần chuyển dịch theo hướng tăng cường tỷ trọng các nguồn thu trong nước, các nguồn thu từ thuế trực thu như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế đánh vào tài sản.
Trước đó, trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Đại biểu Quốc hội, TS. Trần Du Lịch cũng đã phát biểu: “Chúng ta phải chuyển dần từ thuế gián thu sang trực thu để cơ cấu nguồn thu ổn định. Ví dụ, cần tính toán thu thuế BĐS đối với người sở hữu từ căn nhà thứ 2 trở đi thì chính quyền các địa phương sẽ có thêm nguồn thu ngân sách”.
Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí trên cơ sở xác định mức độ động viên phù hợp, cải cách cơ cấu hệ thống chính sách với cơ cấu hợp lý giữa các loại thuế trực thu, gián thu và tài sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng các chế tài, biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh cũng như chống chuyển giá.
Song song với đó, cần đổi mới quy trình ngân sách nhà nước nói chung và quy trình ngân sách địa phương nói riêng theo hướng tách bạch, rõ ràng. Muốn bảo đảm tính độc lập tương đối của chính quyền địa phương trong việc lập, quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương thì Chính phủ cần bỏ cơ chế giao chỉ tiêu nhiệm vụ thu cho các địa phương, thay vào đó là cơ chế thu theo luật và địa phương có nghĩa vụ phải chấp hành.
Đồng thời cần xem xét lại cơ chế thưởng vượt dự toán thu cho các địa phương, coi việc chấp hành pháp luật thu ngân sách là trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là cần có sự phối hợp tích cực giữa các bộ, ban, ngành chính quyền từ Trung ương tới địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất... tạo môi trường thuận lợi để DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Nhưng suy cho cùng, ngân sách quốc gia chỉ thực sự bền vững khi thu cao và chi tiết kiệm. Với việc chi ngân sách, mà trong đó chi thường xuyên tăng quá cao thì ngân sách luôn bất an. Hôm 28/12/2015, phát biểu tại Hội nghị toàn ngành Tài chính, Phó thủ tướng Nguyễn Văn Ninh đã cho biết ông “giật mình” khi đọc báo cáo thấy chi thường xuyên tăng nhanh quá.
Gần đây khi bàn về sự bền vững của ngân sách nhà nước, mọi ý kiến đều cho rằng phải giảm chi. Và muốn giảm chi, không chỉ là triệt để tiết kiệm, thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương ngân sách mà phải mạnh tay giảm chi thường xuyên bằng cách kiên quyết cải cách hành chính, tinh giản bộ máy.
Hơn chục năm qua chúng ta luôn khẳng định phải tinh giản biên chế nhưng đội ngũ những người hưởng lương từ ngân sách ngày càng phình to. Có thể nói rằng, chúng ta đã điểm trúng vấn đề nhưng các công việc phía trước còn rất nặng nề.