Cơ giới hóa nông nghiệp “giậm chân tại chỗ”
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020, thì hiện khả năng đáp ứng của ngành cơ khí mới đạt 32,58%, thấp hơn mục tiêu của chiến lược là 40-50% vào năm 2010; nhập siêu của ngành cơ khí lớn hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó, giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 2006 là 6,6 tỷ USD; năm 2012 là 16,04 tỷ USD).
Ngành cơ khí chế tạo máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là một cấu phần quan trọng của chiến lược nói trên, gắn với đó là nhiều chính sách ưu tiên phát triển, nhưng kết quả nói chung không như kỳ vọng đặt ra.
Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn thấp |
“Ngành cơ khí chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp và thiết bị toàn bộ phục vụ chế biến nông lâm thủy sản (ngoài chế biến gạo và cà phê nhân) gần như giậm chân tại chỗ”, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam nhận xét.
Cụ thể, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, lắp ráp máy động lực và máy nông nghiệp rất ít, chỉ có duy nhất Công ty TNHH KOBOTA Việt Nam. Mức độ đổi mới công nghệ trong ngành nói chung còn rất thấp…
Theo kết quả điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ về đổi mới công nghệ trong DN, có 10% số DN vẫn còn sử dụng công nghệ những năm 70 của thế kỷ trước; 30% của những năm 80 và 50% của những năm 90… Chi phí nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ ở khối các viện nghiên cứu, DN khoa học công nghệ, DN tư vấn thiết kế thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo chỉ từ 0,22 - 3% doanh thu một năm. Tỷ lệ này cũng không duy trì ổn định và không có tính liên tục. Còn ở các DN chế tạo, tỷ lệ nói trên thậm chí chỉ dao động từ 0,35 - 0,8%.
Ông Bạch Quốc Khang (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho hay, trình độ cơ giới hóa nông nghiệp nước ta còn nhiều vấn đề. Cụ thể: Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp còn thấp hơn một số nước trong khu vực, đa phần là cỡ nhỏ, hiệu quả chưa cao; Tỷ lệ cơ giới hóa còn chênh lệch giữa cây lúa và các cây trồng khác; Công tác quản lý chất lượng máy nông nghiệp bị buông lỏng, thị trường cạnh tranh chưa lành mạnh, nông dân thiếu thông tin…
Một trong những mấu chốt quan trọng dẫn tới phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay còn khá “èo uột” là do mất cân đối bắt nguồn từ chính sách, ông Bạch Quốc Khang cho hay.
Vấn đề đặt ra hiện nay là chính sách của nhà nước chưa theo kịp với yêu cầu sản xuất, sự hỗ trợ của nhà nước chưa có đột phá, còn lắt nhắt và chắp vá. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn lạc hậu, khả năng đầu tư của chủ thể sản xuất cho cơ giới hóa còn hạn chế…
Chỉ tính trong giai đoạn từ 2010 - 2013, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho cơ giới hóa nông nghiệp đã 3 lần thay đổi theo chủng loại máy. Về quy trình, thủ tục thực hiện chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước đề ra quy trình, thủ tục rất chặt chẽ, tạo ra nhiều khó khăn cho người dân tiếp cận chính sách.
Ngoài ra, một trong những bất cập nổi cộm là nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, dẫn đến địa phương phải hạn chế quy mô hỗ trợ. Trong 5 năm 2011 - 2015, ngân sách Nhà nước bỏ ra hỗ trợ lãi suất mua máy móc cơ giới hóa trong nông nghiệp chỉ khoảng 500 tỷ đồng.
Để cải thiện tình trạng cơ giới hóa trong nông nghiệp thời gian tới, PGS-TS. Chu Văn Thiện (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho rằng, chính sách đưa ra cần lấy thị trường sử dụng máy, thiết bị trong nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản làm trụ xoay, từ đó xác định lĩnh vực chế tạo cơ khí ưu tiên phát triển. Tập trung đầu tư vào các ngành có nhu cầu và lợi thế, tạo điều kiện để các DN trong ngành cơ khí chế tạo liên kết giữa các DN lớn với DN nhỏ, liên doanh với các DN nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần coi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo cơ khí nói chung và chế tạo máy nông nghiệp nói riêng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế. Do đó, cần có cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi, nhất là các chính sách về tài chính, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài… đảm bảo phát triển bền vững trong dài hạn.
Ông Chu Văn Thiện cũng kiến nghị Nhà nước cần thay đổi hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp, không qua các tầng nấc trung gian. Bên cạnh đó, cần xây dựng Nghị định về thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, tiến tới xây dựng luật về vấn đề này… Đồng thời, điều chỉnh thuế VAT của máy móc phục vụ nông nghiệp từ 5% thành không chịu thuế...