Cơ hội cải thiện thứ hạng logistics
Top 10 công ty vận tải và Logistics 2018: Vietnam Airlines, VNR xếp nhất về vận tải | |
Tận dụng lợi thế, ưu tiên phát triển logistics |
Vượt qua nhiều quốc gia trên thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vừa lọt vào top 10 quốc gia đứng đầu về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực logistics, theo Agility Emerging Markets Logistics Index 2019. Chỉ số này được xem là thước đo đánh giá năng lực cạnh tranh tổng thể dựa trên sức mạnh logistics và các nền tảng kinh doanh. Theo đó, 50 quốc gia được xếp hạng theo các yếu tố khiến những nước này trở nên hấp dẫn đối với DN cung cấp dịch vụ logistics, giao nhận, phân phối...
Việt Nam, Indonesia được chọn là những thị trường mới nổi có tiềm năng về logistics nhất sau Ấn Độ và Trung Quốc |
10 quốc gia đứng đầu bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Indonesia, Malaysia, Ả rập Saudi, Mexico, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Thái Lan xếp sau Việt Nam 1 bậc còn Philippines kém 10 bậc.
Theo tổ chức xếp hạng, Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu bảng trong năm 2019 về quy mô và sức mạnh thị trường logistics quốc tế và trong nước. Tuy nhiên khảo sát cho thấy 2 quốc gia này bị đánh giá kém hơn các nước nhỏ về nền tảng kinh doanh. Lĩnh vực này được xếp hạng dựa trên môi trường quản lý, tín dụng và động lực nợ, thực thi hợp đồng, các biện pháp đảm bảo chống tham nhũng, sự ổn định về giá cả và khả năng tiếp cận thị trường.
Việt Nam, Indonesia và Malaysia được chọn là những thị trường mới nổi có tiềm năng về logistics nhất sau Ấn Độ và Trung Quốc. Nguyên nhân là các điều kiện kinh doanh thuận lợi cùng với lợi thế về giá trị của sản xuất và chuỗi cung ứng đã giúp các quốc gia Đông Nam Á vươn lên về sức cạnh tranh.
Ông Andy Vargoczky - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán hàng và tiếp thị tại châu Á - Thái Bình Dương của Agility cho biết, cùng với Singapore, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á đã lọt top đầu thế giới nhờ thực hiện đơn giản hóa, tự động hóa và kết hợp các thủ tục thương mại thông qua việc áp dụng chế độ một cửa mà tất cả các thành viên ASEAN phải thực thi cuối năm nay.
Nhờ đó, quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và vận chuyển toàn cầu đang tăng lên từng năm. Ngoài ra, 56% số người được hỏi cho rằng căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể có lợi cho các quốc gia Đông Nam Á, bởi đây sẽ là địa điểm sản xuất và cung ứng lý tưởng thay thế Trung Quốc.
Mặc dù chỉ số cạnh tranh trong lĩnh vực logistics của Việt Nam thuộc top đầu thế giới, song theo các chuyên gia, điều này chỉ cho thấy rằng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển ngành dịch vụ logistics. Trong khi đó, cần nhìn nhận thực tế rằng năng lực của ngành logistics hiện nay còn rất hạn chế. Đặc biệt, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,9% so với GDP, theo nghiên cứu của WB; trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho rằng các mắt xích khiến chi phí logistics cao là chi phí vận tải hàng hoá bằng đường bộ quá cao; phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu của chủ hàng Việt Nam; hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với phương tiện sau cảng; phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển; chi phí kiểm tra chuyên ngành.
Nút thắt lớn nhất hiện nay của ngành logistics chính là kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa cũng là một nguyên nhân khiến chi phí vận tải cũng như chi phí logistics nước ta hiện nay còn cao.
Ngoài ra, phương tiện vận tải tại Việt Nam còn có những hạn chế như tuổi đời cao, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, thiếu những phương tiện lớn và các phương tiện chuyên dụng, chi phí đầu tư phương tiện cao. Khả năng xếp dỡ bị hạn chế dẫn tới phát sinh thời gian chờ đợi, làm tăng chi phí vận tải. Các DN vận tải nói chung có hệ thống tổ chức, điều độ khai thác chưa chuyên nghiệp, khả năng liên kết giữa các DN còn hạn chế. Một vấn đề khác là các công đoạn kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, bất cập, mất nhiều thời gian, chi phí cho DN…