Tận dụng lợi thế, ưu tiên phát triển logistics
Ngành logistics đang là “mốt” | |
Chi phí logistics cao, nhưng khung giá dịch vụ cảng thấp | |
Logistics nội thu hút nhà đầu tư ngoại |
Sự hiện diện của hơn 27.000 dự án FDI có tổng vốn đầu tư gần 338 tỷ USD, cùng những bước tiến lớn với việc đã ký kết và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội phê chuẩn là những cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Thời gian thông quan hàng hóa của Việt Nam vẫn cao so với khu vực |
Một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam đang mở ra với Quyết định 200/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 và mới đây là Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo tinh thần của nghị quyết, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần được phát triển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là phải kết nối kinh tế, cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN…
Chưa hết, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, hiện các bộ, ngành đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đưa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất, nhập khẩu lên cơ chế một cửa quốc gia, giảm bớt số lượng mặt hàng phải kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, minh bạch hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm tra...
“Tất cả những biện pháp này đều góp phần tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm chi phí logistics”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá và đưa số liệu cho thấy những bước tiến của logistics của Việt Nam qua đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, Chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đến nay đã đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp nội hoạt động trong lĩnh vực logistics, từ vận tải cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa... và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% – 16%, có quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm.
Song Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng thẳng thắn đánh giá, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ với khoảng 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng; 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. VLA cũng chỉ có trên 360 doanh nghiệp thành viên, cho thấy tính liên kết của doanh nghiệp logistic Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ.
Thậm chí có lúc, có nơi chúng ta còn chưa nhận thức về việc phát triển ngành logistics thành một ngành dịch vụ cơ bản để hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác. Do vậy một số tỉnh, thành phố có tiềm năng, nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng về công nghệ thông tin chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics chung chưa phát triển.
Bên cạnh đó, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, trình độ nguồn nhân lực…
Chính vì vậy, công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu mới của ngành dịch vụ logistics trong điều kiện hội nhập quốc tế là một trong những nội dung quan trọng tiên quyết. Song song với đó là việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại sau khi bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước về logistics, đồng thời cần có cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa trung ương và địa phương, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, để logistics thực sự trở thành “mạch máu của nền kinh tế” thì việc kết nối giữa các vùng tăng trưởng kinh tế là cần thiết. Bên cạnh đó, cần có chiến lược tạo liên kết giữa các nhóm ngành hàng, gồm: Nhóm công nghiệp, khoáng sản; nhóm hàng công nghệ cao và nhóm hàng nông, thuỷ sản nhằm hình thành chuỗi kết nối, lưu thông trong chiến lược phát triển ngành logistics.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh đến việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu. Hiện các thương nhân Việt Nam mất khoảng 55 và khoảng 56 giờ với hàng xuất khẩu trong khi ở Singapore chỉ là 10 và 33 giờ.