Cơ hội cho các ngân hàng hợp tác với Fintech
Khởi động chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính | |
Đưa công nghệ số đến người dùng, cách nào? | |
Hợp tác Ngân hàng - Fintech: Thúc đẩy cạnh tranh, gia tăng tiện ích |
Ông Nguyễn Kim Anh |
Lễ phát động cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính - Fintech Challenge Vietnam” lần thứ nhất tại Việt Nam chính thức khởi động ngày 28/11, tại Hà Nội do NHNN tổ chức với sự phối hợp của Chương trình Sáng kiến Kinh doanh Mê Kông (MBI). Nhân sự kiện này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng về tiềm năng sáng tạo công nghệ tài chính tại Việt Nam.
Phó Thống đốc có thể chia sẻ sự khác biệt cơ bản giữa hoạt động ngân hàng truyền thống và các Fintech?
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang diễn ra những thay đổi rất lớn khi xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ và giải pháp công nghệ tài chính phong phú với nhiều ưu điểm gia nhập thị trường, điều này mang lại những cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính - ngân hàng vốn đã được định hình ổn định nhiều thập niên qua. Khác với hoạt động của các ngân hàng truyền thống là cung cấp tổng thể các dịch vụ tài chính ngân hàng cho khách hàng thì các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech) hiện nay lại có xu hướng chia nhỏ (unbundle) các dịch vụ tài chính - ngân hàng và chuyên sâu vào một hoặc một số dịch vụ nhất định như thanh toán, quản lý tài chính, huy động vốn hay cho vay...
Mặc dù “chia nhỏ” dịch vụ đang là xu hướng chủ đạo nhưng cũng đã xuất hiện những thương vụ sáp nhập của các doanh nghiệp Fintech để cung cấp nhiều loại hình dịch vụ hơn cho người sử dụng. Đối với cơ quan quản lý các nước, đây cũng là một thách thức khi vừa phải đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, vừa đảm bảo sự cạnh tranh và khuyến khích những đổi mới sáng tạo nhằm cung ứng những dịch vụ tiện lợi hơn, ưu việt hơn với chi phí thấp hơn cho người sử dụng.
Đối với các ngân hàng và công ty Fintech, sự hợp tác đã mang lại những lợi ích thiết thực khi cả hai bên tận dụng được những lợi thế của mình để cùng phát triển. Thực tế cho thấy số thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp Fintech trên thế giới trong năm 2016 đã tăng 61% so với năm 2015 và tiếp tục gia tăng trong năm 2017. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào các doanh nghiệp Fintech thông qua các chương trình “ươm mầm” và hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech.
Hiện Fintech phát triển như thế nào ở Việt Nam, thưa Phó Thống đốc?
Ở Việt Nam, lĩnh vực Fintech cũng bắt đầu thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn với sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp startup cung ứng các dịch vụ và giải pháp ở nhiều mảng nghiệp vụ khác nhau. Thống kê sơ bộ cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng trên 70 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech, một phần ba trong số đó hiện đang hoạt động trong mảng thanh toán, cung cấp cho người tiêu dùng các phương thức thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số như ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến, thanh toán di động...
Chủ trương của Chính phủ và NHNN là đưa các dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân |
Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có hành lang pháp lý cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực thanh toán. Khuôn khổ pháp lý, quản lý đối với các hoạt động, mảng nghiệp vụ khác như cho vay, huy động vốn... cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, lĩnh vực Fintech ở Việt Nam hiện đang phát triển ở dưới mức tiềm năng do hệ sinh thái Fintech còn thiếu liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia, đó là cơ quan quản lý, các định chế tài chính và các doanh nghiệp Fintech.
Phải chăng xu hướng phát triển và tiềm năng của Fintech đã khiến chúng ta tổ chức cuộc thi này?
Nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tạo ra một sân chơi lành mạnh và tạo điều kiện cho các công ty Fintech trong nước có cơ hội cọ xát với các doanh nghiệp Fintech quốc tế, tiếp thu thêm kinh nghiệm và sự tư vấn, góp ý từ các chuyên gia tài chính hàng đầu khu vực và trên thế giới, cũng như tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Chương trình MBI tổ chức cuộc thi Fintech Challenge Vietnam lần thứ nhất tại Việt Nam với sự tài trợ của Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Cuộc thi Fintech Challenge Vietnam lần thứ nhất được thiết kế dựa trên hai mục tiêu chính, đó là: (i) Tăng cường hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech và (ii) Thúc đẩy phổ cập tài chính tại Việt Nam. Những mục tiêu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN là đưa các dịch vụ tài chính – ngân hàng đến gần hơn với các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là những đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, xa xôi, hẻo lánh.
Thông điệp chủ đạo của cuộc thi này hướng đến là gì, thưa Phó Thống đốc?
Thông qua cuộc thi, các công ty Fintech trong và ngoài nước có cơ hội được ươm mầm, phát triển các ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đột phá và khác biệt dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, tập trung vào 5 lĩnh vực: Thanh toán; Cho vay ngang hàng; Công nghệ chuỗi khối - Blockchain; Giao diện lập trình ứng dụng mở - Open API và định danh khách hàng điện tử e-ID/e-KYC.
Đây cũng là cơ hội cho các NHTM trong nước đánh giá tiềm năng, tham gia hợp tác với các công ty Fintech, qua đó thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh và hợp tác tạo nên sức mạnh “cộng hưởng” cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính - ngân hàng ở Việt Nam. Đồng thời, những trải nghiệm và kết quả từ cuộc thi Fintech Challenge Vietnam cũng được kỳ vọng là nguồn thông tin đầu vào quý giá đối với các nhà quản lý nhằm góp phần tạo dựng môi trường pháp lý, quản lý thuận lợi, phù hợp thực tiễn hơn đối với hoạt động Fintech tại Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!
Thúc đẩy phổ cập tài chính mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam Chương trình Fintech Challenge Vietnam (FCV) do NHNN tổ chức với sự hỗ trợ của MBI. Cùng tham gia phối hợp đồng tổ chức FCV là Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Câu lạc bộ Công nghệ tài chính Việt Nam (Vietnam Fintech Club). Các đối tác của FCV bao gồm 7 NHTM (BIDV, Shinhan Bank, TPBank, VIB, Vietcombank, VietinBank, VPBank), cùng với các công ty công nghệ FPT, Vietnam Silicon Valley và VIISA. Chương trình FCV sẽ là cơ hội để các công ty Fintech Việt Nam cũng như quốc tế có mong muốn hợp tác với các NHTM thí điểm và phát triển các giải pháp cung cấp các dịch vụ tài chính trong các lĩnh vực như: Thanh toán điện tử; định danh khách hàng điện tử e-KYC; Open APIs; Blockchain; cho vay ngang hàng đăng ký tham gia. Các ứng viên tham gia chương trình FCV thành công sẽ tiếp tục được tham gia chương trình ươm tạo và được hướng dẫn cố vấn trong hai tháng, đồng thời tham dự “Phiên thi tài chung kết” để trình diễn các giải pháp công nghệ tài chính. Các giải pháp tốt nhất sẽ có cơ hội được trình diễn thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ của mình tại Sự kiện Fintech Quốc gia Việt Nam 2018. Thời hạn nộp hồ sơ là 18/1/2018 tại website fintech.mekongbiz.org. PV |