Đưa công nghệ số đến người dùng, cách nào?
Bước đột phá về công nghệ ngân hàng | |
Nỗ lực thúc đẩy công nghệ ngân hàng số | |
Công nghệ giúp nâng tầm quản trị |
Ông Trần Nhất Minh |
Ngày nay, công nghệ số có tác động rất lớn đến ngành tài chính, thế nhưng không phải ai cũng nhận ra tiện ích mà ứng dụng mang lại. Do đó, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Nhất Minh - Phó tổng giám đốc NHTMCP Quốc Tế (VIB) để hiểu rõ hơn về việc làm sao đưa công nghệ số vào đời sống một cách dễ dàng nhất cho cả ngân hàng và người tiêu dùng.
Ông có thể tóm gọn về vai trò của công nghệ số ảnh hưởng đến câu chuyện tài chính một cách dễ hiểu nhất không?
Cho dù chậm hơn các ngành khác vì các quy định của luật pháp áp dụng riêng cho Ngành, song phải thừa nhận rằng ngành Ngân hàng cũng chịu tác động rất lớn của công nghệ số. Và công nghệ số đang thay đổi mô hình hoạt động của ngân hàng.
Về phía ngân hàng, vai trò của công nghệ số là các ngân hàng có thể ứng dụng để đăng ký khách hàng mới, chấm điểm tín nhiệm (CIC) thông qua các phân tích dữ liệu lớn từ các nguồn phi truyền thống như mạng xã hội. Cùng với thời gian đó, khách hàng sẽ tiếp cận dịch vụ ngân hàng qua các kênh công nghệ số thay cho việc đến chi nhánh. Tiện ích mà người tiêu dùng có được khi công nghệ số phát triển là tiết kiệm được thời gian và chi phí. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là vẫn có đến 70% dân số chưa phải là khách hàng của ngân hàng.
Nếu nói như trên, điểm cộng mang lại cho khách hàng khi sử dụng công nghệ số là rất lớn. Song không phải ai cũng biết để sử dụng. Vậy, đây là lỗi do ngân hàng không triển khai rộng rãi hay do khách hàng ít quan tâm?
Chúng ta có thể thấy rằng, ngày nay cuộc sống của chúng ta đã được “số hoá” rất nhiều. Thay cho băng từ là công nghệ “tương tự” (analog) thời trước, ngày nay chúng ta nghe nhạc và xem video trên máy tính, điện thoại thông minh, thông tin dưới dạng số (digital). Chúng ta giao lưu với bạn bè qua mạng xã hội như Facebook hay Zalo, cũng trên nền công nghệ số. Taxi và xe ôm truyền thống đang tranh đấu ngày đêm với taxi và xe ôm công nghệ số Uber và Grab. Việc số hoá đang diễn ra ở mọi ngành, với mọi lứa tuổi, dịch vụ trở nên rẻ hơn, dễ có hơn, thông tin phổ biến rộng khắp cho mọi người trong không gian số.
Đặt vé qua MyVIB |
Như vậy, không thể nói là khách hàng ít quan tâm đến công nghệ số mà họ chỉ ít quan tâm đến những dịch vụ tài chính mà đáng lẽ mình được hưởng. Ví dụ một cách khách quan, khi VIB nhận thấy mình là ngân hàng khó phát triển hệ thống mạng lưới vì vướng vào quy định của NHNN. Theo đó, VIB tập trung phát triển công nghệ, số hóa ngân hàng bằng cách cho ra mắt ứng dụng MyVIB (ứng dụng ngân hàng di động) dành cho điện thoại thông minh.
Đối với VIB, thời gian qua ngân hàng đã nỗ lực giới thiệu ứng dụng rộng rãi đến với khách hàng để họ có thể hưởng những tiện ích tốt nhất. Ví dụ, nếu là khách hàng của VIB và có đăng ký sử dụng MyVIB thì người khách hàng đó có thể mua vé máy bay qua ứng dụng ngân hàng di động MyVIB có giá luôn rẻ hơn so với việc mua tại đại lý. Thậm chí, khách hàng có thể tìm kiếm, so sánh thông tin, đặt mua vé của các hãng máy bay nội địa trực tiếp trên ứng dụng ngân hàng di động MyVIB. Còn đối với những ai thường thanh toán online thì MyVIB luôn cung cấp những giải pháp chuyển tiền nhanh chóng, an toàn với MyVIB-Social Keyboard…
Như vậy, chỉ cần để ý và sử dụng những dịch vụ tài chính điện tử, người tiêu dùng luôn là người được lợi lớn nhất.
Nói là vượt trội, song ông có thừa nhận rằng công nghệ ngân hàng số vẫn chưa thể phát triển “ồ ạt” tại Việt Nam? Nói tới đây, có phải do tư duy truyền thống ăn sâu vào cả người làm ngân hàng lẫn khách hàng, thưa ông?
Tôi nghĩ đây là vấn đề của thời gian. Sớm muộn công nghệ ngân hàng số sẽ chiếm lĩnh ở Việt Nam. Điều đó có thể xảy ra chỉ trong vài năm. Có thể ngày hôm nay còn đang chậm chạp, nhưng sau vài năm chúng ta đã thấy công nghệ số được ứng dụng khắp nơi. Ta có thể thấy điều đó qua ví dụ của Uber và Grab, cách đây vài năm, không ai nghĩ hai hãng này sẽ khiến taxi truyền thống mệt mỏi, nhưng ngày hôm nay khách hàng đang bỏ phiếu cho “taxi công nghệ số” bằng một hành động – đặt taxi qua ứng dụng di động. Cách số hoá hôm nay trong ngành Ngân hàng vẫn còn diễn ra là chúng ta số hoá những quy trình, mẫu biểu vốn được thực hiện theo kiểu thủ công, do đó việc số hoá chưa đem đến năng lực vượt trội.
Mặt khác, chúng ta chưa bỏ được hoàn toàn những chứng từ trên giấy vì quy định của pháp luật. Cần có những phương thức mới, dùng công nghệ số, an toàn, bảo mật, được luật pháp công nhận để thay thế chứng từ giấy.
Vậy, khi áp dụng công nghệ số vào ngân hàng thì có thể nói đó là tài chính toàn diện chưa, thưa ông?
Thực tế, tài chính toàn diện là khi chúng ta đem đến dịch vụ tài chính cho dân số nghèo, không có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Như đã nói ở trên, hiện nay 70% dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng. Làm cách nào để họ có thể tiếp cận được với dịch vụ tài chính một cách dễ dàng và giá cả phải chăng khi họ có nhu cầu vay hay tiết kiệm.
Tài chính toàn diện đang nổi lên như là một mô hình mới của tăng trưởng kinh tế, đóng vai trò chính trong việc xoá đói giảm nghèo khỏi đất nước. Nó đề cập đến việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho số đông người dân bao gồm người có hoàn cảnh khó khăn với điều kiện hợp lý. Tài chính toàn diện là ưu tiên hàng đầu của đất nước về tăng trưởng kinh tế và sự tiến bộ của xã hội. Nó giúp giảm khoảng cách giữa dân số giàu và nghèo. Các định chế tài chính là những trụ cột mạnh mẽ của sự tiến bộ, tăng trưởng và sự phát triển của nền kinh tế.
Để có thể gọi là tài chính toàn diện thì phải có sự góp mặt của các công ty Fintech nữa. Bởi chỉ có các công ty Fintech, khi áp dụng công nghệ thông tin, đưa ra được các giải pháp sáng tạo, đến được với những người thu nhập thấp với giá thành thấp hơn. Trên thế giới, các công ty Fintech phát triển nhanh vì không bị giới hạn bởi khung pháp lý như các ngân hàng. Fintech là các công ty startup nhỏ, với bộ máy nhân sự gọn nhẹ, họ có thể phát triển rất nhanh. Do đó, họ có lợi thế trước các ngân hàng.
Tuy nhiên, các ngân hàng có kinh nghiệm lâu năm trong Ngành, đầy đủ các giấy phép, cùng với các hệ thống công nghệ thông tin đầu tư bài bản, kết nối sẵn với các đối tác cần thiết trong và ngoài nước. Do đó, Fintech cần hợp tác với ngân hàng và ngân hàng cần hợp tác với Fintech. Fintech là cánh tay nối dài của ngân hàng trong quá trình triển khai tài chính toàn diện.
Xin trân trọng cảm ơn ông!