Cơ hội cho DN tư nhân tham gia mua sắm công
Pháp luật đấu thầu Việt Nam: Mới đủ điểm tiếp cận chuẩn quốc tế |
Theo ông Ngô Minh Hải, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ DNNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, pháp luật về đấu thầu của Việt Nam, đặc biệt là đấu thầu liên quan tới mua sắm công hiện vẫn chưa theo đúng chuẩn quốc tế. Do đó lĩnh vực này thời gian qua đã trở thành mảnh đất màu mỡ để những chủ đầu tư Nhà nước cầm tiền tiêu gây thất thoát, lãng phí.
Ông cho biết, quy định của đấu thầu Việt Nam có 8 hình thức lựa chọn nhà thầu thì chỉ có đấu thầu rộng rãi là theo chuẩn thế giới, trong khi 7 hình thức còn lại đều có đặc thù riêng. Trong quá trình thực hiện các cơ quan, DNNN đã lợi dụng các đặc thù này lách luật gây ra sai phạm, tạo ra mầm mống tham nhũng.
Ảnh minh họa |
“Trong thực tế ít có DNNN nào làm theo đúng luật đấu thầu. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đến “mùa” mua sắm thì tự đề ra nội quy, cơ chế nội bộ để thực hiện các gói mua sắm công, cứ thế mà làm và gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng qua con đường này”, ông Hải lo ngại.
Tình trạng này sẽ không còn khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới qua các hiệp định thương mại tự do với những điều khoản cam kết liên quan đến mua sắm công như TPP hay FTA Việt Nam – EU (EVFTA).
Mặc dù không phải mọi gói thầu sử dụng ngân sách Nhà nước đều sẽ phải tuân thủ yêu cầu của các FTA, song sức ép hội nhập sẽ buộc pháp luật về đấu thầu của Việt Nam tiệm cận sát hơn với chuẩn quốc tế. Điều này cũng sẽ tạo cơ hội để các DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào quá trình đấu thầu các gói mua sắm công.
Ông Trần Trung Kiên, chuyên gia lĩnh vực mua sắm công của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam chi khoảng 21-22 tỷ USD/năm cho mua sắm công. Song phần lớn các gói mua sắm này được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế, do đó phạm vi điều chỉnh của các FTA sẽ tương đối nhỏ, giới hạn cho một số đơn vị, gói thầu. Như vậy lợi ích dành cho DN thực chất sẽ không quá nhiều trong giai đoạn đầu hội nhập.
Tuy nhiên cơ hội sẽ mở ra rất lớn cho DN tại các thị trường lớn như Mỹ, EU… vì mỗi năm họ chi mua sắm công lên tới hàng trăm tỷ USD. Do đó, theo ông Kiên khuyến nghị cần sớm chuẩn bị để các DN Việt Nam tận dụng được cơ hội lớn đó.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, VCCI cũng khẳng định, WTO, TPP hay EVFTA đều nhấn mạnh các nguyên tắc chung đối với mua sắm công, theo đó tạo điều kiện để DN tư nhân tham gia mạnh hơn vào lĩnh vực này. Trước hết là nguyên tắc minh bạch, thể hiện xuyên suốt rất nhiều điều khoản của hiệp định, quy định ở các nội dung như thông tin công bố, quy trình đấu thầu, thời hạn, cách thức thông tin trong quá trình từng bước đấu thầu…
Bên cạnh đó là nguyên tắc không phân biệt đối xử nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia đấu thầu trong nước với các nhà thầu nước ngoài.
Bà Trang phân tích, các quy định này đều có nhiều điểm tiến bộ và bảo vệ quyền lợi của DN tư nhân nói chung cũng như các DN nhỏ nói riêng để họ có nhiều cơ hội tham gia vào quá trình đấu thầu.
Đơn cử như luật Việt Nam hiện vẫn áp dụng nguyên tắc chỉ định thầu, theo đó chủ đầu tư có quyền chỉ định duy nhất một nhà thầu đấu thầu gói mua sắm. Nhưng TPP lại quy định khá chặt về vấn đề này, theo hướng hạn chế các trường hợp sử dụng chỉ định thầu. Đồng thời nếu chỉ định thì số lượng nhà thầu bắt buộc phải nhiều hơn một. Bởi chỉ định vốn được xem là hình thức thầu dẫn tới hệ quả triệt tiêu cạnh tranh trong đấu thầu mua sắm công.
Bên cạnh đó, cam kết nhấn mạnh chỉ được chỉ định thầu trong 8 trường hợp được liệt kê cụ thể, chi tiết. Đối với những trường hợp sử dụng chỉ định thầu, cơ quan mua sắm phải chứng minh, nêu được căn cứ tại sao mình sử dụng hình thức đấu thầu này. Vì vậy, bà Trang lưu ý các DN cần tìm hiểm các gói thầu sử dụng hình thức chỉ định thầu, xác định đó có phải trường hợp được phép chỉ định thầu không, từ đó có hành động cụ thể bảo vệ quyền dự thầu của mình.
Hay như quy định về điều kiện dự thầu, các FTA áp điều kiện về kinh nghiệm rất hạn chế, trong khi luật của Việt Nam vẫn áp dụng rộng rãi điều kiện này. Các chuyên gia về đấu thầu phân tích, điều kiện này trên thực tế có thể ngăn chặn khả năng tham gia đấu thầu của các nhà thầu chưa có điều kiện thực hiện các gói thầu công. “Như vậy dẫn đến trường hợp dù DN thừa khả năng đáp ứng điều kiện năng lực nhưng cũng đứng ngoài thôi vì chưa có kinh nghiệm”, một chuyên gia cho biết. Như vậy nếu sửa lại theo quy định quốc tế thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN tư nhân, đặc biệt là các DN nhỏ.
Trước mắt, các quy định trên sẽ chỉ áp dụng cho những gói thầu thuộc diện điều chỉnh trong các FTA, do đó cơ hội mở ra cho DN chưa quá lớn. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, việc thực thi các yêu cầu trong đấu thầu nếu được áp dụng chung cho cả các gói thầu không thuộc diện điều chỉnh sẽ giúp thủ tục đấu thầu nói chung ở Việt Nam minh bạch, công bằng hơn. Qua đó tạo điều kiện tốt hơn cho các DN Việt Nam tiếp cận các gói thầu mua sắm công của các cơ quan Nhà nước.