Cơ khí bước thiếu vững chắc
Dù được đánh giá là ngành kinh tế trọng điểm, song những năm qua ngành cơ khí đã tiến những bước chậm chạp và thiếu vững chắc. Các nguyên nhân cản bước tiến của ngành này đã được “mổ xẻ” tại hội thảo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/11.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết, giá trị sản xuất ngành cơ khí trong năm 2012 đã tăng gấp 6 lần so với năm 2000 và đang tăng trưởng dần qua các năm gần đây, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, tăng trưởng thiếu vững chắc thể hiện ở phần giá trị mà sản xuất trong nước tạo ra còn hạn chế.
Riêng trong năm 2014, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí đạt 820.970 tỷ đồng, song sản xuất trong nước mới đạt 263.714 tỷ đồng. Như vậy tới năm 2014, ngành cơ khí trong nước mới đáp ứng được 32,12% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 45-50%.
DN Việt chủ yếu tham gia phần lắp ráp sản phẩm cơ khí |
Cơ khí đang trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của nước ta. Điều này thể hiện ở giá trị xuất khẩu tăng lên qua từng năm. Năm 2012, giá trị xuất khẩu sản phẩm cơ khí đạt 12,1 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 34,71% so với tổng giá trị toàn ngành; năm 2013 tăng lên 13,18 tỷ USD và tới năm 2014 là 15,23 tỷ USD.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại thì giá trị nhập khẩu sản phẩm cơ khí cũng lớn. Năm 2014, giá trị nhập khẩu ngành cơ khí đạt 26,53 tỷ USD, gấp đôi so với giá trị xuất khẩu. Như vậy, nhập siêu trong ngành lên tới hơn 11 tỷ USD, chủ yếu là nhập máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất.
Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, con số nhập siêu trong ngành cơ khí có thể còn cao hơn so với thống kê hiện nay. Theo vị này, trong các sản phẩm cơ khí xuất khẩu hiện có một phần giá trị vật liệu là nhập khẩu từ nước ngoài chưa được bóc tách. Nếu tính chi ly, theo ông giá trị xuất khẩu sản phẩm cơ khí năm 2014 chỉ loanh quanh trong khoảng 10 tỷ USD chứ không phải 15,23 tỷ USD như công bố. Như vậy, ngành cơ khí có thể còn nhập siêu cao hơn so với thực tế.
Cũng theo đại diện của Vụ Công nghiệp, biểu hiện rõ nét nhất trong sự phát triển có phần “thụt lùi” của ngành cơ khí chính là biến động lớn về các thành phần kinh tế tham gia. Ông cho biết: “Qua tổng kết 30 năm đổi mới và cổ phần hoá DNNN, chúng tôi rất phân vân trước thực trạng trước đây chúng ta có hệ thống các nhà máy cơ khí khắp các tỉnh thành, nhưng sau khi cổ phần hóa xong thì hệ thống nhà máy này biến đi đâu hết. Thiết bị bán đi, đất đai bị phân lô, coi như các nhà máy cơ khí của tỉnh bị xoá sổ”.
Trong khi đó, tỷ trọng DN FDI tham gia ngày càng lớn vào ngành cơ khí. Các DN này mang vào công nghệ hiện đại nhưng liên kết kém với DN trong nước, khiến việc hấp thụ công nghệ cao không được như kỳ vọng. Chính vì vậy, sự phát triển thiếu vững chắc của ngành cơ khí được cho là do chính sách thực hiện chưa mang tính tổng thể. Mặc dù chúng ta có nhiều đề án phát triển ngành cơ khí, song việc thực hiện các chính sách tương ứng với 3 nhóm vấn đề là đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ thì chưa đồng bộ.
Cùng chung nhận định nguồn lực đầu tư cho ngành cơ khí chưa tương xứng với vai trò của ngành này, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung phân tích, cơ khí là ngành rộng và liên quan nhiều lĩnh vực trọng điểm của đất nước như nông nghiệp, giao thông, xây dựng, chế tạo máy…
Trong mỗi ngành nghề này có hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau và nhìn chung để phát triển sản phẩm của các loại hình này đều phải qua 7 bước mới có sản phẩm hoàn chỉnh: thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, lắp ráp, thử nghiệm, xuất xưởng.
“DN Việt Nam hiện nay mới đầu tư tập trung vào khâu lắp ráp, các khâu còn lại không tham gia đầu tư thì làm sao thành công được”, ông Cường lo ngại. Với nguồn lực có hạn, lại đầu tư kiểu cắt khúc, các DN trong ngành nhìn nhận: sẽ khó có thể phát triển ngành cơ khí hoàn chỉnh. Một số chuyên gia cũng chỉ rõ, các chính sách phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành nói riêng chưa tạo ra được thị trường hấp dẫn với dung lượng thị trường đủ lớn cho ngành cơ khí. Do đó, thời gian tới chính sách cần tập trung theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương: Sẽ có cơ chế tạo lập thị trường Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước và cũng là quản lý thị trường đã tham mưu và trình lên Chính phủ một số cơ chế tạo lập thị trường cho ngành cơ khí phát triển. Ví dụ như cơ chế nội địa hoá lắp ráp các nhà máy nhiệt điện hiện nay được Chính phủ ban hành tại Quyết định 1791 năm 2012. Với nhu cầu phát điện, phụ tải tăng trưởng lên tới trên 10%/năm, sắp tới sẽ có hàng chục nhà máy điện, mỗi nhà máy đầu tư khoảng 2 tỷ USD thì chúng ta có dung lượng thị trường cơ khí chế tạo rất lớn, lên tới hàng chục tỷ USD. Hiện nay, Thủ tướng cũng đang giao thí điểm thực hiện cơ chế này tại một số nhà máy điện, nếu thực hiện thành công thì trình độ năng lực DN cơ khí của chúng ta sẽ được nâng lên một bước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng xác định một số lĩnh vực như công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí… chính là những ngành có dung lượng thị trường đủ lớn và có nhiều cơ hội đầu tư trong tương lai, là điều kiện tiên quyết để phát triển sản phẩm trong cơ chế thị trường hiện nay. Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương: Không nên quá trông chờ Nhà nước Các DN cơ khí trong bối cảnh hiện nay phải xác định được thế mạnh sản phẩm, năng lực sẵn có của mình. Chẳng hạn, sẵn có về con người, hay thiết kế, hay chế tạo một số mặt hàng tinh… từ đó định vị mình sẽ làm gì tiếp trong cuộc chơi này. DN cũng không nên quá trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước mà phải từ tiền đầu tư của mình... Tôi cho rằng, vốn trong xã hội hiện rất nhiều, chỉ là chưa biết đổ vào nguồn nào cho sinh lời. Sau khi hội nhập rồi thì nguồn vốn càng dồi dào. Người làm chính sách phải có chủ trương để NĐT thấy nên đầu tư vào lĩnh vực nào thì khi đó nguồn vốn sẽ vào các lĩnh vực có triển vọng như ngành cơ khí. Đồng thời, những người làm chính sách cần thiết kế rõ xem trước đây có 8 nhóm sản phẩm trọng điểm, giờ sẽ là bao nhiêu? Việc xác định này phải dựa vào nhu cầu thị trường để phân tích, như thiết bị nhà máy nhiệt điện có dung lượng thị trường khoảng 70-80 tỷ USD chẳng hạn thì dành cho thị trường trong nước làm 30-40 tỷ đồng, NĐT trong nước sẽ sẵn sàng làm. Khi đầu tư một cách quyết tâm như thế thì họ sẽ sẵn sàng cạnh tranh với cả các NĐT nước ngoài. Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh: Mong nhất là có thị trường Chính sách phát triển ngành cơ khí hiện nay mới chỉ định hướng chung, còn chính sách cụ thể thúc đẩy ngành thì chúng ta rất yếu. Như vậy, chủ trương chỉ thành khẩu hiệu, không đi vào cuộc sống. Từ góc độ DN, chúng tôi thấy rằng cần nhất là có thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết cho ngành cơ khí phát triển. Tôi xin được khuyến nghị một số chính sách hiện nay cần ưu tiên DN trong nước hơn, như cần có chính sách để nâng cao tỷ lệ sản phẩm nội địa trong đấu thầu quốc tế. Hay như quản lý sản phẩm nhập khẩu hiện nay cần thắt chặt hơn. Cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, với những sản phẩm trong nước đã sản xuất được thì hạn chế nhập khẩu. Hoặc như kinh nghiệm Trung Quốc đã rất thành công, đó là nhà nước mua thiết bị cơ khí hiện đại trên thế giới về, sau đó giao cho một số viện, DN thiết kế nghiên cứu và sản xuất, rồi sau đó không nhập sản phẩm đó nữa. Có như vậy DN mới có thị trường. Hiện nay, các dự án lớn đầu tư vào hạ tầng chủ yếu bằng vốn vay. Khi đi vay nước ngoài, người ta áp đặt tất cả sản phẩm phải nhập của nước họ. Vì vậy, cũng phải đàm phán quyết liệt hơn, không thể nhượng bộ mà phải dành dung lượng nhất định cho DN trong nước cùng tham gia… Chúng tôi đề nghị cần có chính sách đồng bộ như vậy để hỗ trợ các DN cơ khí, làm sao ngành cơ khí có thị trường đủ lớn. Như vậy mới xứng tầm là ngành kinh tế trọng điểm của đất nước. |