Cổ phiếu của thủy sản Hùng Vương bị đưa vào diện cảnh báo
HoSE cho biết, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2016 so với báo cáo tài chính tự lập của HVG, tổng doanh thu thuần giảm từ 19.921 tỷ đồng xuống 17.884 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế chỉ còn 58,8 tỷ đồng, giảm 86% so với trước kiểm toán và giảm 62% so với thực hiện năm 2015 (156 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp giảm gần 222 tỷ đồng, trong đó, giảm do điều chỉnh loại trừ doanh thu - giá vốn trên báo cáo riêng của Công ty mẹ là 221,79 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Hùng Vương còn 9,7 tỷ đồng, trong đó, phần lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ sau kiểm toán âm 49,3 tỷ đồng, giảm 309 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán.
Ảnh minh họa |
Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1.1 Điều 22 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại HoSE ban hành kèm theo Quyết định số 346/QĐ-SGDHCM, lợi nhuận sau thuế của năm tài chính trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm. HVG sẽ bị đưa vào diện cảnh báo.
Theo quy chế niêm yết tại HOSE, những cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, diện kiểm soát sẽ không được giao dịch ký quỹ. Cổ phiếu bị ảnh hưởng lớn về thanh khoản nên nhà đầu tư cần lưu ý khi sở hữu mã chứng khoán thuộc một trong các diện trên.
Như vậy, những biến cố tài chính khiến cho cổ phiếu của Hùng Vương - "vua" thuỷ sản một thời - rơi vào diện cảnh báo và chung số phận với những “ông vua” khác như Hoàng Anh Gia Lai, gỗ Trường Thành…