Cổ phiếu ngân hàng: Năm của kỳ vọng
Sự quan tâm lớn dần
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng được nhìn nhận đã vượt qua đáy khó khăn. Dù kết quả chưa được phản ánh vào lợi nhuận cuối năm nhưng đã tạo kỳ vọng Ngành sẽ có bước chuyển mình trong thời gian tới.
Các CP có vốn hóa lớn và tình hình tài chính ổn định như BID, MBB… sẽ là lựa chọn tốt đối với NĐT |
Ngay từ đầu năm 2015, CP ngân hàng đã được các NĐT quan tâm trở lại. Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS) phân tích, về diễn biến giá thì năm 2015 nhóm CP ngân hàng tăng mạnh vào nửa đầu năm, khi những thông tin về M&A được công bố.
Tuy nhiên, sau quá trình tăng trưởng mạnh bao giờ cũng là giai đoạn chững lại, không giảm nhưng không tăng thêm. Nhưng tựu chung lại, mức tăng trưởng của CP ngân hàng năm 2015 đạt ở mức 45,92% so với 2014 là một thành công lớn.
Nhìn lại toàn cảnh CP ngân hàng năm qua, ông Hoàng Đình Kế, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VSM nhận định, 2015 sẽ là năm cuối cùng để hoàn thành Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015, liên quan đến việc đưa nợ xấu xuống dưới mức 3% cũng như thu gọn những NHTM quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém.
Giai đoạn này kết thúc sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, tạo một nền tảng vững chắc để thực hiện chiến lược phát triển ngành Ngân hàng giai đoạn 2015 - 2020. Vì vậy trong nửa đầu năm 2015, toàn hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu có khả năng mất vốn...
Theo số liệu công bố, 6 tháng đầu năm 2015, ACB đã tăng chi phí trích lập dự phòng lên 2%, BID tăng lên 14%, VCB 39%, CTG 48%, MBB tăng lên 26%... Đây cũng là lý do khiến cho lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng gần như “dậm chân tại chỗ” so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần (NII) 6 tháng đầu năm của các ngân hàng niêm yết lại cho thấy bức tranh khá triển vọng. Điển hình như, VCB ghi nhận sự tăng trưởng 27% so với cùng kỳ về mức thu nhập lãi thuần.
Đến nửa cuối năm 2015, tình hình kinh doanh của các ngân hàng “sáng sủa” hơn, khi tín dụng tăng tốc chút ít và nợ xấu giảm xuống dưới 3% theo đúng lộ trình NHNN đặt ra. Tăng trưởng tín dụng năm 2015 ước đạt con số khoảng 18% (trong khi tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng là 10,23%).
Dài hạn vẫn “hot”
Triển vọng kinh doanh sắp tới thậm chí còn sáng hơn, bởi theo cam kết hội nhập ASEAN và WTO, cuối năm 2015, lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam phải mở cửa tối thiểu 70%, và đến cuối năm 2020 là 100%. Nếu so với các ngân hàng khác trong khu vực, vốn hóa của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn quá nhỏ, chưa đủ sức cạnh tranh khi lĩnh vực này mở cửa.
Vì vậy, việc mở rộng quy mô, tăng vốn hóa, cũng như trình độ các ngân hàng nội sẽ là mục tiêu quan trọng mà Chính phủ và NHNN muốn hướng tới tại thời điểm cuối năm 2015 và cả năm 2016.
Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu hình thành ít nhất 1 - 2 ngân hàng có quy mô và trình độ tương đương khu vực vào cuối năm 2015. VCB, CTG hay BID chính là những ngân hàng sẽ được ngắm cho vị trí này.
Ngoại trừ VCB, hai ngân hàng còn lại đều đã thực hiện những thương vụ M&A với các ngân hàng khác như một bước đi cho mục tiêu này. Việc nới room ngân hàng cho NĐT ngoại vẫn sẽ phải chờ rất lâu nữa, tuy nhiên đây sẽ là một cú hích lớn cho CP ngành Ngân hàng nếu như được thông qua.
Trong khi đó, năm 2016 được dự đoán những vấn đề như nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ được giải quyết một cách triệt để, khởi đầu chu kỳ hồi phục của Ngành. Các chuyên gia phân tích cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2016 dự đoán sẽ vào khoảng 18-20%, mức phù hợp với nền kinh tế đang trong đà phục hồi. Theo ông Hoàng Đình Kế, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng từ năm 2016 trở đi cũng được kỳ vọng tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, rất khó để có nhiều kỳ vọng vào CP ngân hàng trong ngắn hạn, mặc dù các CP của nhóm này hiện ở vùng giá khá thấp nhưng hiện cũng đã tăng khá mạnh so với năm 2014. “Những tháng đầu năm 2016, dòng tiền của các nhà đầu tư có thể sẽ được tập trung vào các bluechip mà Nhà nước đã lên kế hoạch thoái vốn như Vinamilk, nhựa Bình Minh… nên tiền đầu tư vào các dòng CP khác sẽ bị hạn chế, trong đó có các CP ngân hàng”, ông Kế nhận định.
Nhưng về dài hạn, nếu xét theo P/B (giá CP so với giá trị ghi sổ), hiện tại các CP ngân hàng khác như ACB (1,3 lần), MBB (1 lần), CTG (1,4 lần) hay BID (2 lần) đang được đánh giá hấp dẫn.
Trong ngắn hạn, NĐT có thể cân nhắc vào 3 mã CP lớn trong nhóm, đặc biệt là VCB mới tăng vốn gần đây giúp thanh khoản cải thiện, hoặc các mã có chỉ số P/E thấp như MBB (7) hoặc STB (9) so với các mã trong cùng nhóm ngành 13-14. “Trung và dài hạn CP ngân hàng vẫn là nhóm dẫn dắt xu thế của thị trường...”, một chuyên gia nhìn nhận.
“Dựa trên phân tích kinh tế vĩ mô có thể thấy rằng, năm 2016 sẽ là bước đệm cho các ngân hàng đi ra từ giai đoạn khó khăn 2011-2015 và tiến tới chu kỳ tăng trưởng. Tuy nhiên, CP ngân hàng sẽ duy trì mức giá mà khó có thể tăng mạnh. Các CP có vốn hóa lớn và tình hình tài chính ổn định như BID, MBB… sẽ là lựa chọn tốt đối với NĐT muốn đầu tư dài hạn”, ông Hoàng Đình Kế cho hay.