Cổ phiếu ngân hàng: Rủi ro thì mặc rủi ro!
Nếu nói về sự thua lỗ đối với cổ phiếu ngân hàng trong năm 2015, thừa nhận là không ít NĐT kêu trời vì những khoản đầu tư vào cổ phiếu ngành này. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, có thể thấy nó chỉ rơi vào nhóm nhà đầu cơ ăn theo cổ phiếu thâu tóm.
Cụ thể, trào lưu này đã xuất hiện từ những năm 2012 gắn với cơ hội xuất hiện trong các thương vụ M&A đình đám như Eximbank - Sacombank, SHB - Habubank… và kéo dài cho tới 2015. Chính vì vậy các tình huống “dở khóc dở cười” vốn dĩ chỉ xuất hiện với những người đi săn và kẻ bị săn đuổi lại xảy ra cả với các NĐT nhỏ lẻ.
Đơn cử mới đây, cổ phiếu EIB của Eximbank tăng trần gắn với tin đồn sẽ thay đổi ban lãnh đạo và bị thâu tóm bởi Nam A Bank. Khi nhiều NĐT nhỏ lẻ còn đang mải mê đua lệnh thì chính cổ đông lớn của EIB đã nhanh tay thoái cổ phần trong một buổi. Hàng triệu cổ phiếu EIB được bán ra bởi ban lãnh đạo ngân hàng này gấp vài chục lần so với mức giao dịch trung bình vài phiên trước đó. Tương tự, nhóm nhà đầu tư ăn theo thông tin biến động nhân sự tại STB (Sacombank) khiến các cổ đông này đang phải ngậm ngùi nuối tiếc.
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thị trường, yếu tố thua lỗ lại không phải trọng yếu. Thực tế, những ngày cuối cùng của năm 2015, khi được hỏi về việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, giám đốc điều hành của một công ty quản lý quỹ mở chia sẻ, quỹ của chị vẫn mua “lai rai” những mã như VCB (Vietcombank) hay MBB (MB) nếu cổ phiếu này rơi về giá hợp lý.
Những quan điểm đầu tư như vậy khá khớp với diễn biến giao dịch trên thị trường từ giữa năm 2015 đến nay. Đó là dù ngành Ngân hàng gặp nhiều sóng gió, song giao dịch tại những cổ phiếu ngân hàng lớn đang niêm yết như VCB, CTG (VietinBank), MBB… vẫn rất lớn.
Rõ ràng, năm 2015 không phải là năm của cổ phiếu ngân hàng khi các mã này không tăng giá mạnh, nhưng lực mua từ khối ngoại vẫn được duy trì. Các cổ phiếu được khối này mua vào là BID (BIDV), VCB và CTG. Các ngân hàng này nhìn chung đã có cơ cấu cổ đông ổn định và việc cần làm bây giờ là phát huy những lợi thế sẵn có của mình.
Ai cũng thấy đây là khoảng thời gian mà ngành Ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ lợi nhuận đến nợ xấu rồi cả việc tái cơ cấu. Nhưng về dài hạn mà nói thì đây cũng là thời điểm “đáy” của các ngân hàng vì nếu qua giai đoạn khó khăn, hoàn thành việc tái cơ cấu thì sự phát triển sau đó của các ngân hàng là điều có thể kỳ vọng được. Chính vì điều này, dòng tiền của các NĐT lớn nếu đổ vào cổ phiếu ngân hàng sẽ là khoản đầu tư mang tính chất dài hạn.
Thậm chí, có dự đoán năm 2016 này, BID có khả năng cũng sẽ là cổ phiếu được nhiều người săn đón với vốn điều lệ vào loại lớn. Các quỹ ngoại, nhất là các quỹ có chủ trương đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, có giá trị vốn hóa lớn sẽ để mắt đến BID. Cũng phải lưu ý là BID chưa có đối tác chiến lược nước ngoài, nên nếu ngân hàng có chủ trương chào bán cũng sẽ là câu chuyện thu hút thị trường.
Ngoài ra, vẫn còn đó những thông tin, phỏng đoán về việc ngân hàng này, ngân hàng kia cũng sẽ bán cổ phần cho đối tác, có thể là đối tác ngoại để thực hiện tái cơ cấu. Hay với cổ phiếu VCB, CTG, MBB, đây đều là những cổ phiếu có nền tảng cực tốt và giá trị cổ phiếu tăng mạnh.
Bởi một điều có thể thấy rõ là các ngân hàng đang gia tăng sức cạnh tranh của mình. Theo đó, ngân hàng đang phải bổ sung về công nghệ, nghiệp vụ, hệ thống quản trị rủi ro chứ không chỉ có nguồn vốn. Như vậy, đối tác mua cổ phần của ngân hàng ở trạng thái lý tưởng sẽ phải là những ngân hàng có tiếng trên thế giới, tham gia nắm giữ dài hạn.
Về mặt này, trong năm tới việc đối tác ngoại tham gia trực tiếp vào hoạt động, hỗ trợ ngân hàng trong nước để xoay chuyển tình thế sẽ tạo nên dấu ấn. Khả năng 2016 sẽ có ngân hàng tiếp tục thay đổi cơ cấu cổ đông nhưng cũng sẽ chừng mực, theo hướng tập trung vào thực chất.
Và trong lúc này, NĐT nào mạnh tay xuống tiền sẽ mua được cổ phần ngân hàng với giá rẻ. Còn sự thể lời lãi thế nào hãy cứ chờ những cải thiện trong kinh doanh của các ngân hàng sẽ được thị trường ghi nhận ra sao trong năm 2016…