Cổ phiếu thủy sản hưởng lợi
Ảnh minh họa |
TTCK trở lại sau kỳ nghỉ lễ với một vài phiên tăng khá. Thanh khoản cũng là điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian vừa qua. Cụ thể, giao dịch đã lên mức sôi động nhất kể từ đầu quý II, sàn HSX ghi nhận hơn 188 triệu cổ phiếu khớp lệnh với giá trị cán mốc 3.060 tỷ đồng, sàn HNX cũng có gần 82 triệu đơn vị được chuyển nhượng với giá trị ghi nhận 1.000 tỷ đồng. Con số 4.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên cả hai sàn cho thấy rõ sự quyết liệt mua bán của NĐT.
Trong bối cảnh chung của thị trường, thủy sản là nhóm đáng lưu ý. Có những phiên cổ phiếu nhóm này ghi nhận sự đi lên của hầu hết các mã, điển hình là HVG, TS4, AGF, AAM… Thông tin khiến cổ phiếu thủy sản tăng giá liên quan đến những thuận lợi cho ngành này được phát đi, như ở đầu ra là việc Nga vừa dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam (vốn chiếm 40% giá trị hàng thủy sản xuất sang Nga); còn phía đầu vào là việc Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính đưa mức thuế giá trị gia tăng mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp từ 5% về 0%...
Trên thực tế, theo các số liệu phân tích, xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng trở lại ở thị trường châu Âu trong tháng 8 và 9, mang đến triển vọng cho các DN trong lĩnh vực này. Còn giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga trong 7 tháng năm 2014 đạt 36,2 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi trước đó, từ 31/1/2014 Nga cấm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 22-28%...
Dù chỉ có 30 DN cá tra được dỡ bỏ lệnh cấm và xuất khẩu trở lại vào Nga trong số 50 DN đề nghị đối tác này xem xét, triển vọng đối với thị trường này khá tốt đẹp. Do Nga đã cấm nhập khẩu thủy sản từ Na Uy (cá hồi), Mỹ (trứng cá, cá tuyết), EU (cá thu, cá sacđin), Canada và Australia… trong vòng 1 năm từ ngày 7/8/2014 vì vấn đề chính trị liên quan đến Ukraine, đây sẽ là cơ hội tốt cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Nga. Các nhà phân tích dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Nga sẽ còn tăng mạnh hơn trong quý III và IV/2014.
Còn đối với các DN thủy sản niêm yết, CTCP Hùng Vương (HVG) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ thông tin trên. Bởi, HVG hiện là một trong những DN được dỡ bỏ lệnh cấm. Trong 2013, giá trị cá tra xuất khẩu sang Nga của HVG là khoảng 56 triệu USD, đóng góp 27% vào tổng doanh thu của công ty. Cùng lý do triển vọng kinh doanh tốt lên, TS4 ghi nhận sự bứt phá của đường giá. Theo CTCK Maybank KimEng, TS4 đã hoàn tất quá trình tích lũy và quay lại xu hướng tăng. Dòng tiền giao dịch TS4 được nhìn nhận đang mở rộng…
Với lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu, NĐT cũng có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III của TS4 tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Còn trong 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế của TS4 tăng 28% so với cùng kỳ; EPS 2014 ước 1.435 và P/E hiện nay của TS4 khoảng 8 lần. Là cổ phiếu có tiềm lực vừa và nhỏ, nhưng với số liệu trên, các CTCK đưa ra nhận định là NĐT có thể xem xét mua vào TS4 ở quanh vùng giá hiện tại 11.500 đồng/cổ phiếu. Mục tiêu gần nhất là 13.200 đồng/cổ phiếu (+14,8%) và có thể cắt lỗ ở 10.400 đồng/cổ phiếu (-9,6%)…
Lợi thế là có, nhưng giới phân tích cũng khuyên NĐT cần phải cân nhắc đầu tư vì các DN thủy sản vẫn còn gặp một số vấn đề ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối năm. Cụ thể, việc thiếu nguyên liệu đầu vào đang là trở ngại không nhỏ cho các DN. Do đó, NĐT chỉ ưu tiên đầu tư những DN có sự đảm bảo về nguồn nguyên liệu như MPC, FMC (ngành tôm, có thể đảm bảo tự chủ nguyên liệu từ 10-20%); hay HVG, VHC, ANV (ngành cá, có thể đảm bảo tự chủ nguyên liệu đến khoảng 70%); cũng như những DN có lượng tồn kho 6 tháng đầu năm cao, nhờ duy trì lượng hàng sản xuất và tận dụng lợi thế giá nguyên liệu tăng để hạn chế rủi ro.
Quỳnh Vũ