Cổ phiếu vua vẫn bám “đường đua”
Khối ngoại mua ròng trở lại | |
Nghệ thuật mô phỏng | |
Rung lắc mạnh |
Theo dõi trên thị trường chứng khoán, có thể nhận thấy nhóm cổ phiếu NH nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nhận định của đa số chuyên gia đều cho rằng, nhóm cổ phiếu NH từ đầu năm tới nay được xem là một trong những động lực giúp thị trường chứng khoán có những bước tăng mạnh trở lại, thậm chí tăng điểm khá cao trong nhiều năm qua. Đơn cử như kết thúc ngày đầu tiên của tháng 11, thị trường đã có phiên tăng điểm tương đối tốt. Nhóm cổ phiếu dầu khí và NH có phiên giao dịch tích cực, giúp VN-Index tăng hơn 5 điểm để trở lại trên mốc 840 điểm.
Nhiều yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu NH tăng sức hút trên thị trường |
Cùng ngày, báo cáo mới nhất của Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống NH Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12-18 tháng tới cũng là thông tin đáng mừng. Đây là lần thứ 2 cơ quan này nâng hạng cho hệ thống NH Việt Nam trong vòng 6 năm qua. Trong đó, Moody’s nâng hạng cho 4 yếu tố lên tích cực: môi trường hoạt động, chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và sự hỗ trợ của Chính phủ.
Phản ứng trước thông tin này, theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đa phần nhóm cổ phiếu NH đều tăng. Trong đó tăng mạnh nhất là BID +2,5%, STB +1,8%; NVB +3%, VIB +2,3%. Trước đó, hôm 25/10 nhóm NH cũng dẫn đầu và tăng với hầu hết các mã tăng tích cực trên 1%. MBB được khối ngoại mua ròng 3,4 triệu cổ phiếu trong phiên 25/10 và trở lại tình trạng kín room.
Như vậy, có thể thấy cổ phiếu NH không chỉ tăng điểm ở những “người cũ”, mà ngay cả với những tân binh mới lên sàn cũng cho thấy những tín hiệu tương đối tích cực và khả quan. VIB lên sàn với giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phiếu, sau đó đỉnh điểm có lúc lên tới 26.000 đồng/cổ phiếu. Hay như VPBank với mã VPB chào sàn HoSE với giá 39.000 đồng/cổ phiếu - mức giá cao nhất so với những nhà băng đã lên sàn ngay phiên ATO (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa) đã khớp 46 triệu cổ phiếu. NH này xác lập kỷ lục với gần 1.800 tỷ đồng trao tay. LPB của LienVietPostBank cũng chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 5/10, và ngay trong phiên đầu tiên đã ghi nhận 7,3 triệu cổ phiếu giao dịch.
Cổ phiếu tăng, tính thanh khoản tốt phần nào cho thấy các nhà đầu tư đánh giá tình hình sức khoẻ của nhiều NH đã có những cải thiện tích cực. Thực tế, kết quả kinh doanh quý III vừa được nhiều NH công bố gần đây cho thấy hoạt động kinh doanh của các nhà băng thực sự khởi sắc, như: TPBank đạt 807 tỷ đồng (tính đến hết quý III/2017), vượt mục tiêu đề ra cả năm là 780 tỷ đồng; Sacombank với lợi nhuận trước thuế 1.025 tỷ đồng vượt 75,2% kế hoạch năm; Vietcombank đạt 2.679 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 30,8% so với quý III/2016…
Đặc biệt, SHB đã gây bất ngờ trên toàn hệ thống khi tăng trưởng mạnh từ hoạt động dịch vụ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của NH này đạt 844 tỷ đồng, gấp 15 lần so với cùng kỳ và vượt cả thu nhập lãi thuần. Đại diện SHB chia sẻ, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt hơn 1.330 tỷ đồng, tăng hơn 68,76% so với cùng kỳ 2016 do nhà băng tăng trưởng mạnh các hoạt động dịch vụ khác, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm bancassurance. Trước nay, lợi nhuận NH vẫn dựa phần lớn vào tăng trưởng tín dụng, nay việc gia tăng lãi từ dịch vụ đã cho thấy phần nào sự chuyển động tích cực trong nhận thức và chiến lược của nhà băng. Từ đó giúp cho cổ phiếu “vua” duy trì được sức nóng, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng, “cổ phiếu NH sẽ ngày càng có sự chuyển dịch tích cực trong xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhất là vào mùa vụ cuối năm cũng sẽ giúp cho nhóm cổ phiếu NH tiếp tục hưởng lợi. “Thêm vào đó, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu bắt đầu có hiệu lực từ 15/8 sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, đẩy nguồn vốn vào lưu thông, tạo ra lợi nhuận cho NH, từ đó sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho cổ phiếu nhóm NH”, ông này nhấn mạnh.
Một điểm nữa cũng được xem sẽ giúp cho diễn biến tăng giá của nhóm cổ phiếu NH là Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36. Dù bản chính thức chưa được quyết định, nhưng giới chuyên gia cho rằng nếu được thông qua, các TCTD sẽ có thêm một năm để rút tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức trần 40%. Và nếu vậy thì gánh nặng lên các NH trong việc đáp ứng tỷ lệ 40% theo Thông tư 06 sẽ bớt phần nặng nề hơn. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, nhà đầu tư nên có những tính toán trong việc nắm giữ các cổ phiếu, vì đầu tư cổ phiếu NH cần có tầm nhìn dài hạn, nên tập trung vào những đơn vị có tăng trưởng ổn định và có tiềm lực bền vững.