Cởi bỏ nút thắt xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu: Cần sự tham gia tích cực của các ngành | |
Tháo gỡ căn bản vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu | |
Kỳ vọng xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh |
Ông Đoàn Văn Thắng |
Một trong những nút thắt lớn nhất trong xử lý nợ xấu (XLNX) tại các TCTD, VAMC đã được cởi bỏ tại Nghị quyết về thí điểm XLNX vừa được thông qua, đó là tăng quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho chủ nợ. Dù đây không phải là quyết định mang tính đột phá hay ưu ái riêng cho ngành NH, nhưng chắc chắn là động lực lớn để các TCTD, VAMC… đẩy nhanh tốc độ XLNX, khơi thông dòng chảy vốn cho nền kinh tế.
Đó là đánh giá của Tổng giám đốc VAMC, TS. Đoàn Văn Thắng về hoạt động XLNX và kỳ vọng của tổ chức này khi Nghị quyết nói trên đi vào cuộc sống.
Ông có thể cho biết về tình hình xử lý TSBĐ của VAMC trong thời gian vừa qua diễn ra như thế nào?
Trong thời gian vừa qua, VAMC đã phối hợp tích cực với các TCTD để thực hiện thu hồi, XLNX thông qua bán đấu giá TSBĐ. Tính đến thời điểm này, VAMC đã thu hồi được khoảng 60 nghìn tỷ đồng nợ xấu trên tổng số hơn 282 nghìn tỷ đồng nợ xấu mua lại từ các TCTD.
Trên thực tế, việc thu giữ, xử lý TSBĐ chủ yếu là các TCTD thực hiện, VAMC đóng vai trò hỗ trợ. Bởi, nhân lực cũng như mạng lưới hoạt động của VAMC khá khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, VAMC đã làm bằng hết khả năng của mình để hỗ trợ TCTD thu hồi, XLNX một cách nhanh nhất.
Với số nợ xấu của TCTD bán cho VAMC, căn cứ trên hợp đồng tín dụng, đến kỳ hạn trả nợ của khách hàng, VAMC tiếp tục nhắc nợ gốc, lãi khách hàng phải trả. Sau khi nhắc nợ mà khách hàng không trả, bước tiếp theo của VAMC là yêu cầu con nợ bàn giao tài sản. Nếu họ không phối hợp thì VAMC tiến hành thu giữ trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, công an, TCTD, khách hàng. Bước tiếp theo sau khi thu giữ tài sản là VAMC thực hiện bán đấu giá tài sản trên cơ sở, danh sách các công ty đấu giá chuyên nghiệp mà công ty lựa chọn.
Thực tình ngay cả khi VAMC và khách hàng đã thỏa thuận được thì việc bán đấu giá cũng không hề đơn giản. Rất nhiều tài sản đấu giá 5 - 6 lần đều không thành, có thể do người mua chưa quan tâm lắm và mức giá chưa thực như kỳ vọng của họ. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới tôi hy vọng, tình hình được cải thiện hơn khi thị trường đang được hỗ trợ nhiều thông tin, chính sách.
Tín hiệu khả quan đã được phát đi, khi VAMC đã vừa đấu giá thành công TSBĐ là toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị của một khách hàng và thu được gần 22 tỷ đồng. Dù để bán được tài sản này, VAMC và khách hàng trải qua đến 9 lần đấu giá không thành công, rất may lần thứ 10 này “đầu xuôi đuôi lọt”.
Ngoài ra, trong suốt thời gian vừa qua, VAMC phối hợp tích cực với cơ quan thi hành án tại các địa phương nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ để kịp thời tháo gỡ cho TCTD sớm thu hồi được nợ xấu…
Nợ xấu càng được xử lý nhanh càng tốt, bởi một lượng vốn lớn sớm được đưa trở lại phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội |
Ông có thể cho biết thêm về những điểm nhấn hỗ trợ tích cực cho hoạt động XLNX của VAMC từ Nghị quyết về thí điểm XLNX vừa được thông qua?
Thứ nhất, Nghị quyết đã phá “vòng kim cô” cho TCTD, VAMC được quyền thu giữ TSBĐ khi khách hàng không trả được nợ, không hợp tác, nhưng hoạt động này phải đảm bảo theo đúng các quy trình, điều kiện Nghị quyết đưa ra. Có thể nói câu chuyện thu giữ tài sản không phải là giải pháp mới, cũng không phải ưu ái gì riêng cho ngành NH mà chỉ là đòi lại sự công bằng mà đáng lẽ chủ nợ được thực hiện.
Thứ hai, trước khi Nghị quyết ra đời, VAMC chỉ được bán nợ cho các tổ chức có chức năng kinh doanh, mua bán nợ. Mà ở Việt Nam các tổ chức này khá hạn chế, ngoài DATC và hơn 20 AMC của các NH. Trong khi đó, các AMC nguồn lực về vốn hạn chế, công ty AMC lớn nhất vốn cũng chỉ 500 - 600 tỷ đồng; còn DATC vốn điều lệ khoảng 6.000 tỷ đồng. Rất may, tại Nghị quyết đã không còn khoanh vùng đối tượng khách hàng nữa mà cho phép VAMC được tổ chức mua bán nợ cho các khách hàng có nhu cầu mua lại các khoản nợ xấu.
Thứ ba, VAMC được phép chuyển đổi khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ mua theo giá thị trường. Điều này giúp các TCTD tiết kiệm thời gian không phải thêm công đoạn mua lại chính khoản nợ đã bán cho VAMC rồi mới mua bán theo giá thị trường. Tất nhiên, để mua bán được theo giá thị trường các khoản nợ đó phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật cho phép.
Với việc cho phép đa dạng cả đối tượng mua bán giao dịch cũng như hàng hóa trên thị trường, hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Theo kế hoạch được Thống đốc phê duyệt trước đó, VAMC thực hiện mua 1.000 tỷ đồng nợ theo giá thị trường. Nhưng tôi hy vọng, khi Nghị quyết đi vào cuộc sống thì VAMC sẽ thực hiện được nhiều hơn so với kế hoạch đề ra…
Vậy cơ hội và thách thức nào đối với VAMC khi Nghị quyết về thí điểm XLNX đi vào cuộc sống, thưa ông?
Nói về thách thức thì quả thực XLNX chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ chính sách mới tại Nghị quyết thì tôi nghĩ rằng VAMC, cũng như TCTD, có nhiều cơ hội để XLNX nhanh, hiệu quả hơn. Ở đây, chúng ta thấy vui mừng khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm XLNX, đồng thời nó cũng cho thấy cách nhìn nhận của Quốc hội về câu chuyện XLNX là trách nhiệm chung chứ không chỉ riêng ngành NH.
Thực tế vốn NH đi vào mọi ngóc ngách đời sống và là nguồn vốn chủ yếu tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Khi nợ xấu xảy ra cũng là điều không ai muốn và nó xuất phát từ nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan. Nhất là liên quan đến nhiều lý do khách quan như thiên tai bão lũ, rủi ro chính sách, khủng hoảng, khách hàng lợi dụng... Khi nhìn thấy đây là một câu chuyện trách nhiệm chung thì các giải pháp sẽ đồng bộ, xuyên suốt và có sức nặng hơn.
Như nói ở trên, với nguồn lực tài chính, nhân lực của VAMC còn hạn chế, nên chúng tôi xác định vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các TCTD là chính. Vì nói gì thì nói, trách nhiệm cuối cùng đối với khoản nợ xấu vẫn là TCTD. Hơn ai hết, không ai hiểu khách hàng bằng các TCTD. Thời gian vừa qua, TCTD vẫn là lực lượng chính thu hồi XLNX.
Tất nhiên, nếu chúng ta có thêm nguồn lực thì nợ xấu sẽ được xử lý một cách rốt ráo, hiệu quả hơn. Kinh nghiệm trên thế giới, các nước có nguồn lực tốt, cơ chế chính sách tốt nợ xấu sẽ giải quyết nhanh, dứt điểm, thậm chí còn mang lại thặng dư cho ngân sách Nhà nước. Đơn cử như Công ty Kamco của Hàn Quốc, sau một thời gian hoạt động, không những xử lý hết số nợ xấu mà còn tạo ra thặng dư từ hoạt động XLNX.
Nợ xấu càng được xử lý nhanh càng tốt, bởi một lượng vốn lớn sớm được đưa trở lại phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh vốn đầu tư của Nhà nước gặp khó khăn thì nguồn lực vốn trên vô cùng quý giá.
Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết đã phá “vòng kim cô” cho TCTD, VAMC được quyền thu giữ TSBĐ khi khách hàng không trả được nợ, không hợp tác, nhưng hoạt động này phải đảm bảo theo đúng các quy trình, điều kiện Nghị quyết đưa ra |