Kỳ vọng xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh
Xử lý nợ xấu phải đồng thời với ngăn ngừa nợ xấu phát sinh | |
Nghị quyết Xử lý nợ xấu: Giải tỏa ách tắc dòng chảy vốn | |
Nên sớm ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu |
Từng bước gỡ nút thắt nợ xấu
Sáng 7/6 vừa qua, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Ý kiến của các đại biểu đều đồng tình ở sự cần thiết của việc sớm ban hành các văn bản trên nhằm thể chế hoá chủ trương chính sách của Đảng, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại thị trường tài chính. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, thúc đẩy quá trình XLNX của các TCTD.
Phải khẳng định rằng, hệ thống TCTD lành mạnh sẽ hỗ trợ và thúc đẩy cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Thời gian qua, quá trình cơ cấu lại các TCTD đã và đang được NHNN nỗ lực, quyết liệt thực hiện để nâng cao năng lực quản trị điều hành, củng cố và giữ vững ổn định, an toàn hệ thống. Đặc biệt, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý sẽ giúp tái cơ cấu TCTD hiệu quả trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế. Hai vấn đề lớn của ngành NH trình lên Quốc hội như trên đang cho thấy những bước đi mạnh mẽ của NHNN trong việc giải bài toán hoàn thiện khung khổ pháp lý này.
Tái cấu trúc hệ thống TCTD cần sự tự ý thức từ chính mỗi NH |
Với Nghị quyết về XLNX, nếu được thông qua sớm sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến XLNX và xử lý tài sản bảo đảm, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế; đồng thời giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Trong đó, nhấn mạnh mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là nhằm bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại TCTD yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém.
Ngoài ra, theo NHNN, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng theo Nghị quyết Trung ương số 05-NQ/TW, Hội nghị TW 4, Khoá XII. Theo đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, hỗ trợ kịp thời từ khâu phát hiện các TCTD yếu kém đến khâu phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh.
Theo đó, không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến nợ xấu, tình trạng yếu kém của TCTD. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này được thực hiện theo quy định pháp luật. Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đều thống nhất: Việc sửa đổi luật nhằm xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh về tài chính, quản trị theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD nói riêng và là kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế nói chung.
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cũng cho rằng, Luật Các TCTD đã thực thi được 7 năm. Đứng trước những biến thiên, thay đổi hàng ngày của nền kinh tế trong và ngoài nước, đã tới lúc cần xem xét và rà soát lại các quy định tại Luật sao cho phù hợp với thực tế. Bởi nếu nhìn vào mặt bằng chung, một số luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đấu giá… đều đã được sửa đổi.
Hội nhập hối thúc tái cấu trúc
Phát biểu tại Hội thảo Định vị hệ thống NH sau giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã cho rằng không thể tái cơ cấu theo kiểu “đánh cờ nước một”, “rối đâu gỡ đấy”, “đau đâu tiêm đấy”. Bởi theo vị chuyên gia này, nhiệm vụ của tái cơ cấu NH là phải kéo cả hệ thống, gồm cả NHNN và các NHTM trở lại quỹ đạo chức năng chính của mình. Bên cạnh nhiệm vụ vượt qua khó khăn, thách thức của chính mình, còn phải đáp ứng yêu cầu của hội nhập.
Để làm được điều này, cần phải có lộ trình, thời gian cũng như các giải pháp đồng bộ, “nóng” nhưng không được “vội”. Vì đây là bài toán chi phí cơ hội của cả một nền kinh tế. “Không có khái niệm xin – cho. Lợi ích quốc gia là trên hết. Và chúng ta phải lựa chọn một phương pháp khôn ngoan trong hội nhập quốc tế”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước chia sẻ.
Những mục tiêu đặt ra trong công tác tái cơ cấu hệ thống NH mà Chính phủ và NHNN đề ra như đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống NH; tăng cường công tác thanh tra giám sát NH; tinh giản số lượng TCTD trong hệ thống; XLNX… đều là những thách thức lớn phải đối diện với các NHTM Việt Nam. Những khó khăn, thách thức này đòi hỏi các NH phải sẵn sàng, chủ động trong việc chuyển đổi một cách mạnh mẽ, đáp ứng các chuẩn về an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn… với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong việc theo đuổi các chiến lược, mục tiêu kinh doanh, đảm bảo lộ trình tái cơ cấu.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh việc cần phải hiểu tái cấu trúc hệ thống NH không ngoại trừ bất cứ nhân tố nào. Các NH có nằm trong diện tái cơ cấu hay không đều phải có ý thức về quản trị DN theo thông lệ quốc tế. Theo chuyên gia này, “mỗi NH phải khoẻ thì cả hệ thống mới bền vững. Mà có một hệ thống NH bền vững, lúc đó mới có nền tảng và cơ sở để tham gia sâu rộng hơn trong sân chơi hội nhập”.
Quan điểm của nhiều chuyên gia đều đồng tình rằng chính sách quản lý rủi ro hiệu quả sẽ hỗ trợ cho các NH trong giai đoạn tái cơ cấu. Vì đơn giản, một nhà băng quản lý rủi ro tốt sẽ có sức đề kháng tốt, có khả năng chống chịu với những biến động xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho NH.