Cộng hưởng cho sự phát triển thị trường tài chính
Số hoá sẽ là xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ | |
Hoàn thiện khung khổ pháp lý: Nền tảng phát triển ngân hàng số | |
Ngân hàng Việt chủ động với FinTech |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh tới tất cả hầu hết các lĩnh vực ngành nghề của đời sống xã hội. Trong dòng chảy đó, công nghệ tài chính - Financial technology (Fintech) đang có tác động mạnh mẽ đến hoạt động tài chính – ngân hàng. Vậy cơ quan quản lý và các ngân hàng nên ứng xử thế nào với Fintech?
Chuyển động thời công nghệ số
Sự chuyển động nhanh và mạnh của Fintech ở cả thế giới và Việt Nam khiến bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính - ngân hàng E&Y Việt Nam phải thốt lên: nếu ngân hàng không thực sự thay đổi thì khách hàng có thể dịch chuyển sang sử dụng các dịch vụ của công ty Fintech với ưu thế thân thiện với người dùng và chi phí rẻ hơn.
Nhiều năm công tác trong NHTM, ông Phạm Xuân Hòe - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cũng đã chỉ ra những lợi thế của Fintech: tốc độ, đơn giản, hiệu quả, tôn trọng quyền riêng tư và tiềm năng không giới hạn… đã cho phép các Fintech chia sẻ với khách hàng nhiều hơn, trao cho họ quyền kiểm soát và quyết định trong các giao dịch tài chính và các hoạt động đầu tư.
Hơn nữa, với vai trò tiên phong trong việc phát triển những ý tưởng digital-banking cập nhật trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhất đã làm cho xu hướng phát triển của các Fintech hiện không chỉ tập trung cung cấp những sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng truyền thống theo một phương thức mới, mà còn đang có chiều hướng ngày càng đa dạng hơn.
Những hoạt động thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số, trong đó nổi bật là thanh toán ngang hàng (peer to peer payment); trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI); công nghệ Mobile Tech with a Twist, tư vấn tự động - Robot Advisory cho phép các khách hàng của mình nhận được sự tư vấn đầu tư qua ứng dụng trên máy tính một cách nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm chi phí mà không cần thiết phải thông qua một người tư vấn trực tiếp.
Sự xuất hiện của các sản phẩm mới sẽ có ảnh hưởng gián đoạn đến mô hình kinh doanh ngân hàng truyền thống, làm thay đổi cách thức sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng của người sử dụng, đặc biệt là các hoạt động ngân hàng bán lẻ và từ đó sẽ tác động mạnh mẽ đến chiến lược phát triển của các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Fintech ở Việt Nam chủ yếu là thanh toán
Những sự kiện gần đây như cuộc thi “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính - Fintech Challenge Vietnam” tại Việt Nam do NHNN tổ chức với sự phối hợp của Chương trình Sáng kiến kinh doanh Mê Kông (MBI) hay việc thành lập Câu lạc bộ Fintech Việt Nam cho thấy lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới tài chính - ngân hàng.
PGS-TS. Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN, Trưởng Ban Chỉ đạo về Fintech chia sẻ: đây là thời điểm các NHTM trong nước đánh giá tiềm năng, tham gia hợp tác với các công ty Fintech, qua đó thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh và hợp tác tạo nên sức mạnh “cộng hưởng” cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính - ngân hàng ở Việt Nam.
Các công ty Fintech Việt Nam cần được hỗ trợ để xây dựng định hướng phù hợp cũng như cần phải có hành lang pháp lý thử nghiệm |
Hiện tất cả các công ty trung gian thanh toán được NHNN cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với các NHTM để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, hiện đại cho người tiêu dùng.
Đơn cử như: VPBank hợp tác với Công ty Fintech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng số, hợp tác với Công ty Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số. MB hợp tác với một công ty Fintech tạo ra công nghệ cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook. Hay mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Vietcombank trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của CTCP Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; mô hình dịch vụ chuyển tiền của MB trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Viettel ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo…
“So với các nước trên thế giới và khu vực thì lĩnh vực Fintech tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, hiện nay mới tập trung chủ yếu vào phân khúc thanh toán 60%”, ông Phạm Xuân Hòe cho biết.
Còn theo ông Đỗ Giang Tĩnh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Agribank, hiện nay tỷ lệ người sở hữu tài khoản ngân hàng ở Việt Nam mới ở mức 20% dân số và số người có thẻ tín dụng chỉ 3%. Hiện mới có 18 tổ chức được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, vài chục nhà cung cấp đang chờ được cấp phép và các NHTM cũng chờ để có thể tung ra những sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, với thị phần nhỏ trong sân chơi tài chính, tập trung chủ yếu vào mảng thanh toán, hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa theo kịp đà phát triển là rào cản lớn với Fintech.
Sẽ có khung pháp lý thí điểm?
Tham vọng của nhiều ngân hàng là thông qua các công ty Fintech để mở rộng kênh ngân hàng số, bao phủ đến từng thành phần xã hội. Vì vậy, vấn đề khung pháp lý có vai trò quan trọng đối với Fintech.
Bà Nguyễn Thùy Dương thừa nhận, một thực tế diễn ra ở hầu hết các quốc gia là khung pháp lý chưa bắt kịp với sự phát triển chóng mặt của các công nghệ mới, đặc biệt là Fintech.
Tại các quốc gia phát triển, hiện đang có hai cách ứng xử với Fintech, tùy thuộc vào độ “trưởng thành” và mức rủi ro của từng mô hình kinh doanh. Với các mô hình kinh doanh đã hoạt động tương đối lâu dài và ổn định, có rủi ro mang tính hệ thống cao như cho vay ngang hàng thì các quốc gia thường ban hành quy định và hành lang pháp lý rõ ràng cụ thể.
Còn với các mô hình kinh doanh mới nổi, không đồng nhất nhưng rủi ro thấp như công nghệ blockchain, trợ lý ảo… thông thường các quốc gia sẽ tạo môi trường kinh doanh thử nghiệm để các công ty Fintech hoặc các ngân hàng, các tổ chức tài chính có thể thử nghiệm ứng dụng sáng tạo công nghệ của mình.
Hiện tại, trong khu vực ASEAN, một số nước có nhiều động thái chủ động hơn. Cụ thể, Singapore ban hành Hướng dẫn khung pháp lý thử nghiệm vào tháng 11/2016, Malaysia ban hành vào tháng 10/2016 và Thái Lan vào tháng 9/2016. Cho đến nay các quốc gia này đã đạt được những bước tiến nhất định. Ví dụ: tháng 2/2017, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore thông báo công ty Fintech đầu tiên là PolicyPal đã tham gia vào sandbox để thử nghiệm dịch vụ phát hợp đồng bảo hiểm cho một công ty bảo hiểm.
Trở lại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, các công ty Fintech Việt Nam cần được hỗ trợ để xây dựng được định hướng phù hợp; cần phải có hành lang pháp lý thử nghiệm cho các công ty Fintech. Và bản thân các công ty Fintech cũng nên tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay và nếu có ý tưởng mới thì họ cần phối hợp với các cơ quan quản lý để vận dụng những gì tốt nhất hiện đang cho phép.
NHNN xác định ưu tiên tập trung xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Bổ sung, sửa đổi quy định của ngành Ngân hàng để tương thích, phù hợp hơn với bối cảnh số hóa và sự phát triển Fintech. Đối với những giải pháp, nghiệp vụ mới của các công ty Fintech mà khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa quy định, NHNN có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức. |