Công nghiệp cơ khí Việt Nam đang thua thiệt
Cơ khí hội nhập: Người bảo dễ, kẻ than khó | |
Tiếp tục đẩy mạnh ngành cơ khí ô tô | |
Cơ khí bước thiếu vững chắc |
Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ cho biết, dù hình thành sau, nên đi sau so với nhiều nước cả thế kỷ, nhưng 15 năm qua, khi có những chính sách của Chính phủ, rồi những cơ chế phụ trợ… đã tạo điều kiện để DN trong nước thiết kế và chế tạo nhà máy nhiệt điện, tỷ lệ nội địa hóa tăng lên rất nhanh. Chúng ta chế tạo được các loại cầu trục lớn, các thiết bị cho nhà máy xi-măng, thiết bị dàn khoan, chế tạo một phần thiết bị nhà máy nhiệt điện và thủy điện.
Ví như Tập đoàn Xuân Thành đã mạnh dạn đặt hàng cho các DN cơ khí chế tạo trong nước thiết kế lò lung lớn nhất thế giới với 12.500 tấn clinker/ngày đêm. Điều này cho thấy, nếu có đơn hàng thì DN trong nước vẫn có thể sản xuất tốt, đảm bảo cả tiến độ và chất lượng. Và điều quan trọng nữa là việc sửa chữa lắp đặt cũng đã được xử lý ngay trong nước.
“Trước đây, 1 máy biến áp Trung Quốc khi hỏng, sửa chữa mất cả năm, nhưng bây giờ máy biến áp 500kV của Nhà máy biến thế Đông Anh chế tạo, nếu hỏng có thể sửa ngay trong nước và chỉ mất 3 tháng”, ông Thụ nói.
Nhưng, khó khăn lớn nhất của ngành này là do phải đi sau, lại thiếu vốn nên nền tảng lạc hậu so với thế giới 2-3 thế kỷ, lại không được Nhà nước đầu tư đúng mực nên rất khó phát triển. Yếu tố quan trọng nhất để ngành phát triển là chính sách tạo đơn hàng và thị trường cho ngành cơ khí cũng chưa có. “Từ nay đến năm 2035, chúng ta vay khoảng 189 tỷ USD để mua máy móc cho các công trình điện, xi măng, hóa chất, phân bón. Nếu chỉ cần nội địa hóa 30%, ngành công nghiệp cơ khí có thể nuôi hàng triệu người lao động”, ông Thụ nói.
Để hỗ trợ công nghiệp cơ khí trong nước phát triển, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có quyết sách trong việc rà soát lại các công trình công nghiệp xem có thể nội địa hoá được đến đâu. Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cũng đề nghị nên quy định các chủ đầu tư khi đầu tư vào công trình như sản xuất xi măng, nhiệt điện, thủy điện… thì cần thông qua hiệp hội này vì đây là tổ chức có kinh nghiệm, sẽ xác định chính xác cần nhập khẩu thiết bị nào. “Chúng tôi chịu trách nhiệm và xin Chính phủ nhiệm vụ này”, ông Thụ bày tỏ.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang xâm chiếm thị trường Việt Nam và tạo thách thức không nhỏ với ngành công nghiệp cơ khí. Ông Isara Burintramart - Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex cho biết, đây là cuộc cách mạng số với nhiều công nghệ mới kết hợp lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, từ nền kinh tế đến các ngành công nghiệp.
Theo dự báo, các công ty trên toàn thế giới muốn đầu tư khoảng 5% doanh thu hàng năm của họ vào số hóa. Dự án công nghệ 4.0 được nhiều công ty kỳ vọng sẽ giảm chi phí hoạt động xuống 3,6% và tăng hiệu suất lên 4,1%/năm. “Có rất nhiều yếu tố hỗ trợ các nhà sản xuất trở thành người dẫn đầu trong thời đại 4.0. Trong số đó, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Các công ty trên toàn cầu đang đầu tư vào việc đào tạo cho nhân viên và tái cơ cấu tổ chức của họ”, ông Isara Burintramart nói.
Đề cập đến tương lai cho công nghiệp Việt Nam, ông này cho biết, lực lượng lao động là một lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là đích đến đầu tư đầy tiềm năng. Cách tốt nhất để Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thực hiện từng bước nhỏ, bắt đầu từ một chiến lược, một dự án thí điểm...