Cửa hẹp không có nghĩa là thiếu cơ hội
Giải bài toán thiếu nhân lực ngành cơ khí | |
Công nghiệp cơ khí Việt Nam đang thua thiệt | |
Cơ khí hội nhập: Người bảo dễ, kẻ than khó | |
Tiếp tục đẩy mạnh ngành cơ khí ô tô |
Thống kê của VAMI cho thấy, doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng 10 năm, nhiều sản phẩm đã có mặt trên thị trường quốc tế, tuy nhiên ngành cơ khí Việt Nam đi sau sự phát triển của công nghiệp cơ khí thế giới hàng vài thế kỉ. Tham gia WTO, chúng ta mất đi những cơ chế ưu đãi cần thiết như trợ giá, cấp vốn và đơn hàng chỉ định thầu đem đến nhiều bất lợi cho ngành sản xuất cơ khí, xây lắp.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí VAMI nhìn nhận, sau 15 năm, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đầu tư dành cho cơ khí phát triển chưa tương xứng đối với các ngành sản xuất khác, quản lí nhà nước đối với ngành cơ khí không thích hợp, dẫn đến ngành sản xuất cơ khí - luyện kim bộc lộ những hạn chế và yếu kém so với khu vực, năng lực cạnh tranh và hội nhập còn yếu. Hơn nữa, quá trình sản xuất cơ khí của Việt Nam hầu như chưa thực hiện được nguyên tắc cơ bản “chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa rộng trong quá trình tổ chức sản xuất” để mang lại hiệu quả cao.
“Đây là hậu quả của sự “cát cứ, chia tách” giữa cơ khí quốc doanh, cơ khí dân doanh, cơ khí trung ương, cơ khí địa phương, cơ khí ngành, cơ khí FDI”, ông Long nói.
Trên thực tế, thị phần cơ khí được các tập đoàn tài chính và công nghiệp thế giới chia nhau nắm giữ, cánh cửa hẹp cho sản phẩm cơ khí cũng giống như các ngành khác phải chịu cảnh thầu phụ, gia công làm thuê. Đáng chú ý, vẫn còn tồn tại việc DN cơ khí lo việc làm và nuôi sống công nhân còn tích lũy cho DN chưa được bao nhiêu. Do đó, vị Phó Chủ tịch VAMI đánh giá, sản xuất cơ khí Việt Nam hiện tại chỉ dừng ở mức làm gia công, chưa đủ sức “tự chế tạo ra một số sản phẩm” có sức cạnh tranh quốc tế và đang bị thua ngay trên sân nhà dẫn đến hàng năm Việt Nam đã nhập siêu nhiều tỉ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp và cho bản thân ngành chế tạo cơ khí.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí thì cho rằng, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhưng việc quán triệt, thực hiện có nghiêm không thì còn nhiều vấn đề. Độ kiên định của chính sách, từ cơ quan làm chính sách đến người thực thi không được tốt nên chúng ta không đạt được như mong muốn. Thêm vào đó, với sự hạn chế của công nghệ sản xuất, tính liên kết giữa các DN, chất lượng nguồn nhân lực…. cho nên khi nhìn lại, chúng ta vẫn chưa có được một ngành cơ khí chế tạo, sản xuất các thiết bị, linh kiện phụ trợ phát triển hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cơ khí Việt Nam không bắt kịp được xu thế này, nếu khắc phục được các hạn chế như tăng cường đẩy mạnh hợp tác sản xuất giữa DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lặp để chống lãng phí…
Hiệp hội này đưa ra dẫn chứng, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 gần 6.000 tỷ đồng nhằm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, trong đó tập trung vào mục tiêu xuất khẩu, tiến đến doanh thu xuất khẩu bằng doanh thu trong nước sau 5-10 năm. Hoặc như Công ty CP Ô tô Trường Hải dự kiến xây dựng khu công nghiệp ô tô Chu Lai Trường Hải đi vào hoạt động năm 2018 bằng các nhà máy đầu tư công nghệ hàn laser, công nghệ phun sơn phủ tiên tiến, đồng thời với kế hoạch kết nối các DN sản xuất linh kiện trong nước tăng tỉ lệ nội địa hóa, phát triển Chu Lai trở thành trung tâm cơ khí đa dạng của miền Trung. Tất nhiên, muốn phát triển được ngành cơ khí, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm, không chỉ mình nỗ lực của DN là đủ mà cần có “bàn tay” của Nhà nước trong việc tạo thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm.
“Hiện nay chúng ta hội nhập sâu rộng và đang “ngại” bảo hộ. Nhưng ở Mỹ, họ muốn bảo vệ thị trường họ cũng phải bảo hộ. Khi bảo hộ được thị trường lớn thì lợi ích chúng ta được rất nhiều, ngoài chuyện các nhà tổng thầu có lãi ra thì các DN cơ khí, phụ trợ trong nước sẽ có cơ hội cung cấp hàng hóa”, ông Sáng nêu ý kiến và cho rằng, nếu các tổng thầu là DN nước ngoài thì các thiết bị phụ trợ của Việt Nam khó có thể đưa vào dây chuyền được. Thông thường, DN nước ngoài thường yêu cầu DN phải có năng lực, có quá trình làm các dự án, có kiểm định... nhưng DN Việt “đã làm đâu mà có”. Vì thế, phải làm từ những dự án nhỏ sau đó DN Việt mới có thể tiếp cận được các dự án quy mô lớn hơn của nhà thầu nước ngoài.