Đà Nẵng thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Mắc và tháo cởi từ thể chế | |
Tỷ lệ nội địa hóa của DN FDI: Chưa đáp ứng được kỳ vọng | |
Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu của DN Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp |
Công nghiệp hỗ trợ gặp khó
Trên thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển công nghiệp hỗ trợ luôn được chú trọng đầu tư. Bởi, đây được xem là ngành sản xuất nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, thông qua các chính sách, cơ chế ưu đãi từ Chính phủ xuống các bộ, ngành liên quan.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng linh kiện. Trong đó, 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày. DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang tạo việc làm cho hơn 550 nghìn lao động. Thời gian gần đây, trình độ năng lực của các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được nâng cao. Đến nay, các DN đã sản xuất nhiều sản phẩm linh kiện xe máy, xe đạp, ô tô, dây cáp điện, dệt may, cơ khí tiêu dùng, nhựa, cao su, kỹ thuật, săm lốp các loại… Những sản phẩm này góp phần đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước và một phần được dành cho xuất khẩu.
Cần tăng cường sự liên kết để phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Về phía các địa phương, xác định được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, nên cũng đã có những chính sách ưu đãi để phát triển. Đơn cử như tại TP. Đà Nẵng, hiện chính quyền địa phương đang có nhiều chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đang hỗ trợ tối đa đến 70% kinh phí đối với các trường hợp tự đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, công nghệ thay thế, hoặc công nghệ nhập khẩu có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển của thành phố.
Cụ thể, được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn đầu tư dự án mới, thời gian không quá 5 năm, số lãi suất được hỗ trợ không quá 70% tổng vốn vay, tổng vốn không quá 50 tỷ đồng cho một dự án; Được hỗ trợ 50% tiền sử dụng hạ tầng trong thời hạn 2 năm kể từ khi khởi công dự án...
Tuy nhiên, trên thực tế dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, song thực tế ngành công nghiệp này vẫn đang gặp nhiều khó khăn, cần sớm được tháo gỡ. Tại TP. Đà Nẵng, cũng như các địa phương khác trong cả nước thực trạng chung của các DN trong ngành công nghiệp là quy mô sản xuất nhỏ. Năng lực sản xuất còn thấp. Trong khi, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ còn bất cập, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu...
Bởi vậy, sản phẩm của các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn giản đơn, chủ yếu là các linh kiện và những chi tiết đơn giản, mang hàm lượng công nghệ thấp. Hệ lụy nhiều ngành công nghiệp khác vẫn phải nhập khẩu những linh kiện, chi tiết nhỏ từ nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ gặp khó, cũng đã ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư tại các địa phương cũng như cả nước.
Cần sự liên kết giữa DN
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển chưa như kỳ vọng. Nổi lên trong đó là do thiếu sự liên kết giữa các DN. Nhiều DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự trở thành những mảnh ghép, trong một bức tranh chung của cả nền công nghiệp.
Tại một hội nghị kết nối cung cầu công nghiệp hỗ trợ được tổ chức tại ở TP. Đà Nẵng, ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, điểm yếu nhất của công nghiệp hỗ trợ chính là sự thiếu hợp tác liên kết giữa các DN. Điều này, dẫn tới việc không phát huy được thế mạnh, lãng phí nguồn lực. Trong khi các chính sách hỗ trợ còn thiếu thống nhất, chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trước hết bản thân các DN phải tự thân chủ động mở rộng hợp tác, kết nối, phối hợp với nhau để cùng phát triển. Đặc biệt, tránh sự cạnh tranh, níu kéo lẫn nhau để rồi cùng chậm phát triển, thậm chí rơi vào khó khăn.
Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, ngành công nghiệp Việt Nam chỉ có thể tồn tại và phát triển khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, các DN công nghiệp hỗ trợ cần tăng cường liên kết, đổi mới công nghệ, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lấy kinh nghiệm trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Nhật Bản, ông Takizawa Saturo - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng chia sẻ, yếu tố đã làm nên thành công cho ngành công nghiệp ở Nhật Bản thời gian qua là việc tăng cường liên kết và hoàn thiện chuỗi cung ứng để thúc đẩy cùng phát triển. Mỗi DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ phải tự xác định mình là một mảnh ghép của bức tranh lớn. Khi ghép các mảnh ghép lại với nhau sẽ ra được một sản phẩm hoàn thiện.
Về phía các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ, họ thường than vãn là rất khó để có thể chen chân, đặc biệt là kết nối với các “ông lớn”. Bởi, những đối tác này thường đã có những bạn hàng ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế không phải là các DN không có những cơ hội. Vấn đề là chất lượng sản phẩm của các DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất từ trong nước có thể cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng hay giá thành với các đối tác nước ngoài hay không? Lấy ví dụ, việc phát triển sản xuất của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), tại Quảng Nam đang kéo theo hàng trăm DN hỗ trợ cùng phát triển. Những, “ông lớn” như Thaco cũng luôn sẵn sàng, hợp tác với các DN trong nước.
Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải cho biết, Thaco rất mong muốn liên kết với các DN hỗ trợ trong nước. Từ đó, hình thành một cộng đồng DN kết nối hợp tác chuyển giao công nghệ để hoàn thiện chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất và kinh doanh, dựa trên nền tảng cơ khí chế tạo nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh, bài toán liên kết, để ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, các cơ quan chức năng phải thực sự đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn để chính sách đi vào cuộc sống. Bởi thực tế, hiện nay, nhiều chính sách rất hay nhưng không đi vào thực tế được do vướng nhiều thủ tục, quy định.