Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Mắc và tháo cởi từ thể chế
Tỷ lệ nội địa hóa của DN FDI: Chưa đáp ứng được kỳ vọng | |
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là thách thức |
Ảnh minh họa |
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được xem là một trong những chìa khóa quan trọng tạo nền tảng để DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thu hút đầu tư FDI, tạo tiền đề để DN nội “ngồi cùng thuyền” và hưởng chung “nồi cơm” phát triển.
Nhìn rộng hơn, CNHT sẽ là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Nhưng tất cả những viễn cảnh đó mới là “giấc mơ đẹp” và viễn cảnh chỉ thành hiện thực nếu được hiện thực hóa bằng chiến lược, lộ trình và các giải pháp triển khai trên thực tế.
Theo TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), mặc dù có tầm quan trọng với nền kinh tế nhưng thực tế ngành CNHT Việt còn hạn chế cả về quy mô và năng lực. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu là các linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
CNHT của Việt Nam còn quá nhỏ bé, mới đóng góp được khoảng 10% vào giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Dù nhìn dưới góc độ nào thì sự nhỏ bé ấy cũng được thể hiện, từ số lượng và quy mô DN CNHT ít (đặc biệt ít nếu nhìn cụ thể vào số DN nội trong ngành CNHT), đến mối liên kết rất hạn chế giữa DN FDI và DN nội, tới năng lực đáp ứng thấp của CNHT.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến CNHT kém phát triển chính là các rào cản và vướng mắc từ thể chế. Trong đó, TS. Lê Quốc Phương cho rằng, quan điểm về CNHT chưa thực sự rõ ràng trong khi các cơ chế, chính sách ban hành chưa kịp thời, thiếu tính ổn định, dài hạn cũng như thiếu đồng bộ và gắn kết với thực tế. Đơn cử, Nghị định 111/2015/NĐ-CP về CNHT được ban hành từ năm 2015, nhưng trên thực tế các cơ chế hỗ trợ rất hạn chế nên cho đến nay, Nghị định này vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng.
Đặc biệt là còn có khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi. Chẳng hạn, chính sách thu hút các DN FDI trong lĩnh vực lắp ráp ô tô đều đưa ra yêu cầu sau 5 năm, 10 năm hay 15 năm phải đạt tỷ lệ nội địa hoá nhất định song trên thực tế các DN FDI đều không đạt được mục tiêu đó. Hay các chính sách thu hút các DN FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam, khiến các DN cung ứng nội địa ít có cơ hội tham gia cung cấp sản phẩm hỗ trợ.
Nhóm công tác Ô tô – xe máy thuộc Diễn đàn VBF cho biết, ngành công nghiệp ô tô có hệ thống cung cấp phức tạp và nhiều tầng (nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nhà cung cấp nguyên vật liệu), trong đó mỗi tầng lại bao gồm rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Nhóm công tác này cũng cho rằng, các chính sách hiện hành đối với ngành CNHT ô tô không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống hiện nay do quy mô sản lượng quá nhỏ, thủ tục đăng ký phức tạp và thuế nhập khẩu xe CBU (nhập khẩu nguyên chiếc) đã về mức 0% từ năm 2018.
Vì vậy để thúc đẩy CNHT phát triển, TS. Lê Quốc Phương đề xuất cần tháo cởi trước hết từ các vướng mắc về thể chế. Theo đó, trước hết cần thay đổi tư duy về CNHT, coi CNHT là ngành không chỉ tạo ra nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng, chi tiết phục vụ cho một số ngành công nghiệp lắp ráp, mà còn bao gồm cả các sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng về công nghệ, kiểu dáng công nghiệp, kỹ năng marketing… nhằm phục vụ, cung ứng, ứng dụng cho nhu cầu đầu vào của quá trình sản xuất.
Cùng với đó, cần tạo hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ để phát triển CNHT. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần đủ tầm, gắn với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cho từng giai đoạn ngắn, trung và dài hạn với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, có tính khả thi đồng thời phải đảm bảo tính ổn định lâu dài. Bước quan trọng tiếp theo là cần tăng cường năng lực thực thi chính sách, đặc biệt là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc hiện thực hoá các mục tiêu đề ra.
Do các DNNVV là đối tượng chính trong phát triển CNHT nên các chính sách cần hướng tới tạo thuận lợi cho các DN này, cả về tín dụng, nâng cao năng lực, hỗ trợ tìm kiếm đối tác và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tăng cường liên kết với DN FDI và tạo thuận lợi cho DN nội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cần phát triển các khu CNHT trong khu kinh tế mở và các cụm liên kết trong ngành CNHT. Hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển CNHT.
Ngoài ra, cần thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất linh kiện hàng đầu thế giới và cần có chính sách linh hoạt hơn trong thực hiện chuyển giao công nghệ thông qua các hình thức liên doanh, liên kết.