Đánh thức tiềm năng của Tây Nguyên
DN chung tay đánh thức nữ hoàng trên vùng Tây Nguyên | |
Khi tái canh cà phê đi vào đời sống | |
Ngân hàng điểm tựa cho Tây Nguyên phát triển | |
Nặng lòng với Tây Nguyên |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Các TCTD đẩy mạnh huy động tại chỗ và điều chuyển vốn đến địa bàn Tây Nguyên, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực. Đồng thời, bám sát quy hoạch phát triển của vùng và từng địa phương để chủ động tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân vay vốn đầu tư vào những lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của vùng đã được quy hoạch và khuyến khích phát triển... |
Tiềm năng đã có…
Mở đầu câu chuyện về đầu tư, ông Đặng Quốc Chính, Giám đốc Công ty Du lịch Lâm Đồng, Chủ tịch hiệp hội DN Lâm đồng lấy ví dụ về lĩnh vực đầu tư du lịch cộng đồng do DN của ông đầu tư hơn 4 năm qua tại Lâm Đồng. Ông Chính cho rằng, với bản sắc văn hóa đặc thù của Tây Nguyên, du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, là một hướng đi gần nhất, nhanh nhất để Tây Nguyên phát triển bền vững và nâng cao GDP.
Không chỉ riêng trong lĩnh vực du lịch, các chuyên gia đều đánh giá, Tây Nguyên không chỉ là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của Việt Nam, đồng thời là vùng trọng điểm phát triển của nhiều cây công nghiệp chủ lực, sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; có tiềm năng lớn về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, thủy lợi, khai thác chế biến khoáng sản và phát triển năng lượng tái tạo...
Cần phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản |
Tuy nhiên theo đánh giá của Văn phòng đại diện Jica Việt Nam, để nông nghiệp và các lợi thế của vùng phát triển bền vững, thì phải quy hoạch lại sự manh mún của các địa phương. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ hơn, mang tính toàn vùng.
Ông Điểu KRé, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, với những lợi thế về vị trí địa kinh tế, nằm trong vùng “Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia”; với tài nguyên thiên nhiên phong phú, Tây Nguyên có đầy đủ những thế mạnh và điều kiện thuận lợi cơ bản để mở rộng liên kết kinh tế với các vùng khác trong cả nước; cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới...
Đã đến lúc cần đánh thức tiềm năng
Những năm qua, với sự nỗ lực của chính quyền các địa phương, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, kinh tế, xã hội của Tây Nguyên có sự phát triển đáng kể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân chung của cả nước (giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân 7,19%/năm, năm 2016 đạt mức 7,47%). Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá. Xuất khẩu từng bước phục hồi và có nhiều khởi sắc. Cộng đồng DN chủ động phát huy những lợi thế, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên nếu so sánh với những tiềm năng sẵn có thì những gì khu vực này đạt được vẫn còn khiêm tốn so với thực tế.
Nói về vấn đề này, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, hiện Tây Nguyên vẫn là vùng khó khăn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng và còn thấp so với một số vùng của cả nước; chưa được đánh thức để trở thành thế mạnh trong thu hút đầu tư cho sự phát triển của Tây Nguyên.
Thực tế cho thấy hiện quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế các địa phương tại khu vực này còn bộ lộ nhiều hạn chế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, thiếu nguồn lực, chưa có sự liên kết trong nội vùng và với các vùng lân cận. Môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện; thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài còn hạn chế về số lượng, quy mô dự án và công nghệ; chưa có nhiều DN lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào Tây Nguyên.
Để cải thiện, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Tây Nguyên chưa thu hút được các đối tác chiến lược, bởi chỉ chiếm 0,65% về dự án; 0,25% trong tổng số dự án và nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, thậm chí thấp hơn cả miền núi phía Bắc. Nên chúng ta cần tư duy chiến lược, đề ra phương pháp khác so với truyền thống trước đây và phù họp với điều kiện lợi thế của vùng.
Về quan điểm phát triển, ông Dũng cho rằng, Tây Nguyên cần thực hiện được mục tiêu ổn định tình hình trên tất cả các mặt, làm tiền đề cho phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế, nếu giữ mãi mục tiêu ổn định thì vô hình chung làm lỡ mất cơ hội, vì vậy khi đã ổn định tương đối thì phải đặt vấn đề hướng tới phát triển để ổn định bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tây Nguyên có đến gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca… Riêng Tây Nguyên chiếm 80% diện tích cà phê cả nước. Đây là những cây công nghiệp quan trọng.Thế nhưng có một thực tế, nông sản Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô. Giá trị gia tăng thấp; chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới”.
Trước những hạn chế đó, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc gợi mở một số giải pháp về nông nghiệp, phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá trị hàng hóa lớn. Đặc biệt, phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Đi cùng với đó là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện nghiêm công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Thủ tướng quyết liệt, “tôi tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, bảo vệ rừng là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là an ninh của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, mà là an ninh của toàn Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước...”
Như vậy có thể thấy bài toán công nghiệp cho Tây Nguyên hiện nay chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp. Về hạ tầng, Thủ tướng cho rằng, cần tránh tư tưởng làm manh mún. Cần tập trung nguồn lực, “góp gạo thổi cơm chung” để có những công trình hạ tầng then chốt ở Tây Nguyên. Phải xã hội hóa việc phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.Về tín dụng ngân hàng, nâng mức cho vay và khuyến khích vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc; có nhiều hình thức hỗ trợ như cấp bù lãi suất…