Nặng lòng với Tây Nguyên
Tăng tốc lực tín dụng chính sách | |
Chắt chiu từng “giọt đắng” Tây Nguyên | |
Ngành NH phải chuẩn bị tốt Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 |
Nếu tính cả Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần 4 sắp diễn ra tới đây thì NHNN và ngành Ngân hàng nói chung đã đồng hành cùng Ban chỉ đạo Tây Nguyên qua 4 lần tổ chức. Những trợ lực của ngành Ngân hàng cho phát triển kinh tế Tây Nguyên không chỉ thể hiện rõ qua hiệu quả những dự án cam kết tại các hội nghị đã được giải ngân mà sâu rộng hơn, việc xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng đặc thù đã góp phần giúp Tây Nguyên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững.
Tạo lực cộng hưởng chính sách
Một trong những dự án lớn đã được ký kết tài trợ tín dụng trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 ngày 12/4/2013 đó chính là dự án Quốc lộ 14 từ Hàm Rồng đến cầu 110 trị giá 1.400 tỷ đồng do BIDV tài trợ. Cùng nỗ lực của nhà thầu - CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, dự án đã hoàn thành trước kế hoạch 6 tháng. Đây được coi là con đường góp phần giúp Tây Nguyên khởi sắc từ việc đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao cho đến nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực, củng cố quốc phòng - an ninh.
Một góc thành phố Pleiku hôm nay |
Đây là một trong nhiều dự án hoàn thành sau những cái bắt tay giữa NH và DN trong các Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2013, năm 2015, và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Gia Lai năm 2016. Nhìn lại giai đoạn 2013-2016, tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên, ngành Ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn với số tiền gần 44.000 tỷ đồng để thực hiện 53 dự án đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh của vùng.
Điểm lại riêng Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên lần thứ 2, đến 31/1/2017, các ngân hàng đã và đang giải ngân cho vay 24 dự án với số tiền là 9.975 tỷ đồng, dư nợ đạt 5.498,6 tỷ đồng. Trong đó 4 dự án trung, dài hạn đầu tư đã được giải ngân 100% và đang trong quá trình vận hành khai thác.
Không chỉ là tập hợp và kêu gọi các NHTM chung sức đầu tư vốn tín dụng và dịch vụ tài chính cũng như hợp lực tài trợ an sinh xã hội với quy mô lớn, tập trung cho khu vực, NHNN tham gia các Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên còn với tâm thế chung tay cùng Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh đề ra giải pháp tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Đồng thời thông qua các NHTM, kêu gọi vận động các DN tham gia đầu tư, tài trợ an sinh xã hội vào khu vực.
Cũng bởi vậy, những cái bắt tay kết nối giữa NH với DN và địa phương cũng như toàn vùng Tây Nguyên không chỉ hữu hạn trong các cam kết tại hội nghị. 5 năm qua, nhiều chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN đã được NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai.
Đặc biệt là các Chương trình kết nối NH và DN do NHNN và TCTD tổ chức theo tinh thần ngân hàng không ngồi chờ DN đến mà phải cùng lo, cùng làm và cùng chia sẻ thất bại và thành công với DN mà Thống đốc NHNN đã nhiều lần nhấn mạnh. Chỉ tính riêng Chương trình kết nối NH-DN thực hiện từ giữa năm 2014 đến hết quý III/2016, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 40.000 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ gần 3.000 tỷ đồng cho 260 DN.
Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là một DN đã được thụ hưởng lợi ích với sự vào cuộc của ngân hàng như thế. Được thành lập vào ngày 1/4/1977, hơn 30 năm qua, công ty đã khẳng định là một trong những DN trồng, chế biến, thu mua và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam. Thành công ấy có sự đồng cam cộng khổ của Chi nhánh Agribank Đắk Lắk từ những ngày đầu làm hồ sơ đi xin đất vỡ hoang trồng 1.000 ha cà phê tại huyện Krông Búk.
Rồi cái bắt tay trong chương trình kết nối NH-DN 4 năm trước đã giúp công ty sở hữu nhà máy sản xuất cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ Certified và hiện đang dẫn đầu thế giới về sản xuất, tiêu thụ cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ Certified với công suất đảm bảo chế biến ướt 30.000 tấn cà phê tươi/vụ, tương ứng 6.600 tấn cà phê nhân. 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới với những địa chỉ khó tính của EU, Singapore, Hàn Quốc, Nga, đặc biệt là Nhật.
“Với Tây Nguyên, ngoài các cơ chế chính sách tín dụng như cả nước, các chính sách ưu tiên hỗ trợ trong hoạt động ngân hàng, tín dụng sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều hơn cho đặc thù Tây Nguyên”, Phó thống đốc Đào Minh Tú thêm một lần nữa nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Cũng bởi vậy, ngành Ngân hàng không chỉ đồng hành với Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh xúc tiến đầu tư, mà còn thông qua các hội nghị, diễn đàn để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của DN, người dân, chính quyền địa phương, từ đó xem xét hỗ trợ vốn và cho ra đời các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện vùng.
Vốn rót xuống, mầm xanh lên
Điều này có thể nhìn rõ từ việc mở rộng mạng lưới các TCTD trên địa bàn Tây Nguyên. Dù trong giai đoạn 2011-2016, để tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống các TCTD, NHNN chủ trương kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu phát triển của khu vực Tây Nguyên, NHNN đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh TCTD và 7 QTDND trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đưa mạng lưới ngân hàng tại vùng lên hơn 100 chi nhánh TCTD, gần 50 QTDND và hơn 400 điểm giao dịch trải rộng đến các buôn làng.
Cùng với đó ngành Ngân hàng đã dồn một lượng vốn lớn vào Tây Nguyên. Chỉ trong vòng 4 năm dư nợ tín dụng tại vùng tăng hơn gấp đôi. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2012 nguồn vốn tín dụng vào Tây Nguyên đến hết năm 2012 chỉ mới đạt 104.483 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2016, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng.
Những nỗ lực đưa vốn vào Tây Nguyên thêm rõ khi huy động trên địa bàn đạt trên 120.605 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2012 nhưng cũng chỉ đáp ứng phân nửa nhu cầu tín dụng. Như vậy, ngành Ngân hàng đã phải dồn một lượng vốn lớn từ trung ương và các địa phương khác để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư của người dân và DN tại Tây Nguyên.
Những chính sách tín dụng mang tính đặc thù cũng được NHNN đề xuất cùng Chính phủ như gói tín dụng 10.000 – 12.000 tỷ đồng cho tái canh cây cà phê cuối quý I/2015. Và để rồi hôm nay, những nỗ lực của từng người dân và DN cùng ngành Ngân hàng đã ươm mầm xanh cho 10.436 ha cà phê tái canh với 5.716 khách hàng đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi, dư nợ cho vay là 738,2 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015. Agribank đã cam kết cho vay tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên với số tiền đạt 1.086 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách cũng là một điểm nhấn trong những nỗ lực chung của ngành Ngân hàng với Tây Nguyên. Bên cạnh nguồn vốn chủ lực cho khu vực nông nghiệp nông thôn từ Agribank và các TCTD, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Thống đốc NHNN luôn quan tâm và chỉ đạo NHCSXH phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại khu vực.
Tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên từ khi NHCSXH đi vào hoạt động đến 31/12/2016 là 42.353 tỷ đồng, với 2.891.297 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/12/2016 đạt 18.769 tỷ đồng với 926.618 khách hàng.
Nhìn vào bức tranh xây dựng nông thôn mới của vùng càng cảm nhận rõ những nỗ lực của ngành Ngân hàng. Thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy riêng giai đoạn 2010- 2015 vốn tín dụng chiếm 47,18% trong tổng đầu tư của chương trình là 88.405,8 tỷ đồng.
Không chỉ bằng các cơ chế chính sách tín dụng, giai đoạn 2013 - 2016, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ ASXH cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng số tiền trên 649 tỷ đồng. Riêng năm 2016, hưởng ứng sự vận động của Thống đốc, ngành Ngân hàng đã ủng hộ 217 tỷ đồng hỗ trợ ASXH các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
*******
Những ngày đầu tháng 3 này thêm một lần nữa ghi dấu sự đồng hành của ngành Ngân hàng trong công cuộc xúc tiến đầu tư, kéo vốn vào Tây Nguyên. “Với quan điểm nhất quán luôn đồng hành cùng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền, DN và đồng bào các dân tộc trong vùng, nhằm đưa Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược, NHNN cam kết tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng; góp phần đưa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đối với khu vực Tây Nguyên vào cuộc sống”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết.