Đánh thuế tài sản: Khó xác định nhà ở thứ 2
Đánh thuế DNNVV cần phù hợp hơn | |
Đánh thuế lũy tiến nhà đất: Chưa đến lúc! |
Đa số quan điểm hiện nay, khi đề cập sâu về khả năng áp dụng trên thực tế, đều cho rằng việc đánh thuế vào người mua BĐS ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam nếu áp dụng sẽ có tác động tích cực lên thị trường. Tuy nhiên để hướng đi này áp dụng được vào thực tế vẫn còn cần rất nhiều bước phải chuẩn bị.
Đánh thuế tài sản được cho rằng sẽ ngăn chặn đầu cơ nhà đất |
Trên thực tế, việc đánh thuế trực thu vào các tài sản có giá trị như nhà đất không phải lần đầu tiên được nhắc đến. Cuối năm 2009, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thuế nhà đất trước đây, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã thống nhất chưa đánh thuế nhà ở vì chưa có sự đồng thuận cao trong dân. Tuy nhiên đến thời điểm này, qua tham vấn có thể thấy không ít ý kiến tỏ ra đồng tình.
Theo anh Nguyễn Văn Thuỷ (Hà Đông, Hà Nội), hiện các khu biệt thự mọc lên như nấm, nhưng không hề có người ở, biến thành các khu đô thị “ma”. Sở dĩ có tình trạng ấy là vì người sở hữu nhà không bị đánh thuế. Họ chỉ mất một ít tiền thuế đất hàng năm, không đáng kể so với giá trị khu đất, căn nhà, biệt thự.
Nếu như đánh thuế lũy tiến vào trường hợp nhiều nhà thì nhất định chống được đầu cơ. Người nhiều nhà không tích trữ nhà nữa còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp rất cao rồi thì sẽ hạn chế đầu cơ.
Nhìn từ góc độ DN BĐS, thực tế việc đánh thuế tài sản đối với nhà đất có thể dẫn tới thu hẹp thị trường này. Tuy nhiên, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) lại ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính đánh thuế đối với người sở hữu từ tài sản BĐS thứ 2 trở lên.
HoREA cho rằng sắc thuế này sẽ góp phần giúp cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững, phòng chống đầu cơ, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Ở phía các chuyên gia cũng không ít ý kiến tán đồng việc đánh thuế tài sản, đặc biệt là với sở hữu nhà thứ 2 trở lên, với phân tích rằng bên cạnh hiệu quả chống đầu cơ BĐS còn khiến việc phát triển các dự án BĐS hiệu quả và thực chất hơn.
“Nếu không bị đánh thuế nhà như hiện nay thì sẽ ngày càng nhiều khu đô thị ma. Chủ đầu tư cứ có đất là xây nhà để đấy mà không cần tính toán quá cụ thể. Còn khi phải chịu thuế nhà, họ sẽ phải tính toán cẩn thận các yếu tố để khi hoàn thành có thể bán được nhà”, chuyên gia Đặng Hùng Võ nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng thuận của các chuyên gia thì cũng có khá nhiều người dân vẫn băn khoăn với định hướng thuế này. Anh Hoàng Thanh Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, tôi có 2 căn hộ tập thể cạnh nhau do trước nhà ở quá chật, lại đông người (6 người) nên phải mua thêm hộ bên cạnh, mỗi căn cũng chỉ có 24 m2. Nếu phải đánh thuế là bất hợp lý? Người khác, biệt thự hàng trăm m2, nhưng là 1 hộ, không bị đóng thuế. Tôi có 48 m2 cho 6 người lại phải đóng thuế?
“Theo tôi nên tính bình quân diện tích nhà theo đầu người để làm căn cứ tính thuế, bên cạnh đó cũng cần tính đến vị trí căn nhà, diện tích sử dụng... như vậy thì mới đảm bảo được công bằng”, anh Vinh nói.
Đồng quan điểm, anh Thuỷ cũng cho rằng rất khó để xác định nhà thứ 2 nếu chúng ta không có cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ. Bởi chồng có thể đứng tên một căn, vợ rồi con... mỗi người một căn thì tính thuế thế nào? Đấy là chưa kể người tỉnh này nhưng mua nhà ở tỉnh khác, rồi nhờ người đứng tên hộ...
Chia sẻ băn khoăn trên, một số chuyên gia cho biết việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ 2 trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh. Trước hết, để áp dụng được tại Việt Nam thì phải xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua BĐS.
Cụ thể là cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà ở quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh và được cập nhật theo thời gian thực, nhất là phải hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở…