Dấu ấn chính sách tiền tệ trong mắt doanh nghiệp
TIN LIÊN QUAN | |
Chỉ đạo của Thống đốc về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng 2016 | |
Vững vàng vượt qua thử thách | |
Điều hành chính sách tiền tệ: Nền tảng vững chắc tạo sức bật mới |
Vào thời điểm năm 2010 và đầu năm 2011, lượng DN buộc phải tiến hành thủ tục phá sản bắt đầu tăng mạnh, đồng thời số phải ngừng hoạt động hoặc phá sản bất cứ lúc nào cũng rất lớn. Lý do được nhìn nhận là thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thu hẹp, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp rất gay gắt, trong khi chi phí sản xuất tăng khiến DN gặp khó. Bóc tách về chi phí, một phần là do lãi suất cho vay của NH ở mức cao, có giai đoạn lên đến trên 20%/năm.
Chính sách tỷ giá hợp lý giúp Công ty Bemac yên tâm đầu tư vào sản xuất |
Không còn lo về lãi suất
Cho đến thời điểm này, ông Lương Quang Phú, Phó tổng giám đốc CTCP Gạch ngói Đất Việt vẫn chưa thể quên những khó khăn khi đó. Năm 2011, công ty vay NH 128 tỷ đồng để xây dựng nhà máy, nhưng đúng thời điểm này nền kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, thị trường địa ốc trầm lắng, công ty lại không có tài sản thế chấp thêm để tiếp tục vay vốn lưu động phục vụ sản xuất. Vì vậy, DN chịu cảnh “giật gấu vá vai”, khó đẩy sản xuất đi lên và kinh doanh thua lỗ kéo dài, đứng trước nguy cơ không trả được nợ.
Có thời điểm, 6 tháng liền ban lãnh đạo, cán bộ thuộc bộ phận hành chính của công ty Đất Việt bị chậm lương. Nhưng từng bước vượt qua khó khăn, đến nay công ty đã trả gốc vay đến năm 2017, vượt trước thời hạn. “Kết quả này một phần do những nỗ lực của chúng tôi, cùng với đó còn có sự hỗ trợ tích cực của NH khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ các khoản vay và tạo điều kiện để công ty vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh…”, ông Phú giải thích.
Thời hạn trả nợ gốc và lãi vốn vay được kéo dài thêm 5 năm (từ 20 năm sang 25 năm), công ty của ông Phú đã giảm được áp lực về tài chính, từ chỗ phải trả nợ gốc và lãi 10 - 12 tỷ đồng/tháng đã giảm xuống 6 - 8 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, sau đó công ty được NH tạo điều kiện cho vay thêm 25 tỷ đồng vốn lưu động để có nguồn tiền đầu tư sản xuất và dần hồi sinh.
Với nhiều DN khác, vai trò hỗ trợ của các NH trong thời gian vừa qua còn được thể hiện ở việc giảm dần lãi suất cho vay xuống mức hợp lý hơn, giúp cho DN dễ dàng tiếp cận vốn, giảm áp lực trả nợ và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Hiệu ứng truyền dẫn trên thực tế, các chính sách điều tiết ở tầm vĩ mô rất nhanh chóng được chuyển tải xuống hệ thống tín dụng, chỉ sau một thời gian đã kéo được mặt bằng lãi suất cho vay từ trên 20%/năm về mức 7-9%/năm...
Tác động trên thực tế của lãi suất giảm là rất ấn tượng. Bà Tiêu Thị Thu Hà, Phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Dân Chủ (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, công ty hiện đang có dư nợ 15 tỷ đồng tại một NHTM, trong đó có 10 tỷ đồng vay với lãi suất 5,5%/năm. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, công ty đã phát triển từ một cơ sở kinh doanh trước năm 2011 lên 3 cơ sở kinh doanh như hiện nay...
Tương tự, ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc CTCP Thiết bị giáo dục và đồ chơi Bình Dương cho biết, hiện công ty có dư nợ tại NH 4 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm. Mức lãi suất này là hợp lý cho đầu tư sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả tốt.
Chính sách tỷ giá phù hợp
Bên cạnh những thay đổi tích cực về tín dụng và lãi suất, trong 5 năm qua, chính sách điều hành tỷ giá hợp lý của NHNN cũng đã tạo điều kiện tốt hơn cho DN trong việc chủ động lên kế hoạch sản xuất kinh doanh. Từ chỗ cam kết tỷ giá hàng năm, khi nền kinh tế chịu tác động lớn dần bởi diễn biến tài chính - tiền tệ thế giới, NHNN đã có phản ứng kịp thời. Thay đổi mới nhất là từ đầu năm nay, NHNN điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm, mang lại những hiệu ứng tích cực nhất định.
Theo bà Tiêu Thị Thu Hà, với cơ chế tỷ giá mới sẽ đảm bảo cho tỷ giá được linh hoạt điều chỉnh lên hoặc xuống theo cung cầu của thị trường. Các DN hết sức phấn khởi vì cơ chế tỷ giá này minh bạch, rõ ràng và mang tính thị trường hơn, giúp DN dễ dàng tiếp cận ngoại tệ, đồng thời tránh tâm lý ỷ lại của một số DN và TCTD nào đó vào cơ chế có tính cố định trước đây.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Đắc Lập, Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết - DN sản xuất mây tre đan xuất khẩu - cho rằng cơ chế tỷ giá mới rất tốt cho hoạt động kinh doanh, vì đã giúp DN chủ động hơn trong sản xuất và thu được ngoại tệ về. Ông cũng cho rằng chính sách tỷ giá hợp lý đóng vai trò rất quan trọng, giúp DN tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh để vượt qua các khó khăn, tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường.
“DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của chúng tôi đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao đông. Công ty xuất khẩu nhiều mặt hàng đi Mỹ, châu Âu và nhiều nước khu vực châu Á, kim ngạch mỗi năm từ 4-5 triệu USD, mang ngoại tệ về cho đất nước”, ông Lập thông tin thêm.
Nhiều DN có quan hệ tín dụng, ngoại hối với NH có chung nhìn nhận, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng cũng kiên định của NHNN thời gian qua đã góp phần ổn định vĩ mô, giúp DN vay được vốn với lãi suất hợp lý, mở ra môi trường kinh doanh thuận lợi.
“Theo đánh giá của WB, họ lạc quan về kinh tế Việt Nam, năm 2016 là một năm tốt lành, thậm chí tốt hơn năm 2015. Và gần đây chúng tôi nhận thấy các DN nói rất nhiều về mở rộng sản xuất kinh doanh, niềm tin của DN và các nhà đầu tư tăng cao…”, ông Học tin tưởng.
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam: Mong tiếp tục duy trì lãi suất hợp lý Trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN rất hợp lý và hỗ trợ cho DN. Thành công đầu tiên là NHNN đã đưa lãi suất trên 20%/năm của thời điểm năm 2010 giảm xuống, nay chỉ còn khoảng 7-9%/năm. Đây được xem là mức lãi suất hợp lý để cho DN hồi phục và mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh được. Thứ hai, với chính sách cơ cấu lại nợ, nhiều DN trước đây có nguy cơ đóng cửa, dừng hoạt động, nhưng do được cơ cấu lại nợ họ được tiếp tục sản xuất, tạo công ăn việc làm, mang nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Thứ ba, vấn đề tỷ giá gần đây NHNN đã điều hành linh hoạt hơn nữa, giúp cho DN chủ động trong sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, cộng đồng DN mong muốn NHNN tiếp tục có các giải pháp điều hành để duy trì lãi suất khoảng 8-9%/năm, đó là mức hợp lý với DN. Chúng tôi cũng mong muốn các NHTM linh hoạt hơn trong cho vay tín chấp. Bởi trong quá trình hoạt động, DN có những dự án làm rất tốt nhưng giai đoạn đầu thiếu vốn, nếu được NH linh động trong cho vay sẽ giúp DN sản xuất hiệu quả. Ông Fukumoto Kazutaka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bemac Panels Manufacturing: Chính sách điều hành tỷ giá khá tích cực So với cách đây 4-5 năm, hiện nay chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Chính sự tích cực này đã tạo điều kiện cho các DN nước ngoài tại Việt Nam thêm động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh. Và đây cũng là điều kiện tốt để chúng tôi sử dụng đồng tiền tại Việt Nam và có chi phí vận hành tại công ty tại Việt Nam hợp lý hơn. Với DN, khi chính sách tỷ giá và điều hành lãi suất phù hợp cũng mang lại lợi ích khi chúng tôi gửi tiền tại các NH ở Việt Nam. Đặc biệt, nếu tỷ giá tăng giảm liên tục thì DN sẽ khó tính toán hơn trong kinh doanh. Theo tôi, thời gian tới việc điều hành giữ ổn định tỷ giá là rất quan trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn việc thẩm định cho vay được cải thiện, ứng dụng cộng nghệ thông tin trong giao dịch NH được đẩy mạnh để giúp thuận tiện hơn cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng số 6 Thăng Long: Tin tưởng vào sự điều hành của NHNN 5 năm qua là một trong những giai đoạn đặc biệt khó khăn với các DN trong nước, nhất là năm 2011-2013. Tuy nhiên, với sự điều hành của NHNN, của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, rất nhiều DN đang đứng trên bờ vực phá sản đã nhận được sự hỗ trợ của ngành NH. Với các chính sách như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, đẩy mạnh tín dụng... nhiều DN đã không bị phá sản. Chúng tôi là một trong những DNNVV nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất đó và hiện chúng tôi tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, tôi tin tưởng rằng chắc chắn thời gian tới Thống đốc sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình với ngành NH; điều hành chính sách tiền tệ sẽ có được những nấc thang thành công mới, giúp sản xuất trong nước phát triển hơn. Tôi đề nghị ngành NH tiếp tục các chính sách hỗ trợ DN, tạo điều kiện cho DN phát triển… |