Đấu thầu qua mạng vẫn tắc
Đây là một trong những chương trình triển khai thực hiện chính phủ điện tử. Đẩy mạnh việc thực hiện việc đấu thầu qua mạng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, đến năm 2025, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đấu thầu qua mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn |
Trên thực tế, việc đấu thầu qua mạng đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như hạn chế vấn nạn tham nhũng. Đơn cử, như tại Hàn Quốc với việc đấu thầu qua mạng mỗi năm tiết kiệm khoảng 4 tỷ USD chi phí đấu thầu như chi phí hồ sơ, tài liệu, chi phí đi lại...
Khác với hình thức đấu thầu truyền thống, tốn kém nhiều chi phí in tài liệu, chi phí đi lại để mua/nộp hồ sơ dự thầu… việc đấu thầu qua mạng các bước chủ yếu được thực hiện trên mạng internet, từ đăng tải thông báo mời thầu, kế hoạch đấu thầu, cho đến thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu…
Về phía nhà thầu, chỉ cần đăng ký chứng thư số, sau đó từ mua hồ sơ mời thầu và gửi hồ sơ dự thầu cũng như tham gia lễ mở thầu. Theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai trong công tác đấu thầu.
Đặc biệt, đối với DN khi tham gia đấu thầu qua mạng sẽ được hưởng quyền lợi đảm bảo vững chắc khi tham gia đấu thầu qua mạng, tránh được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chi phí “bôi trơn”...
Từ năm 2016, hoạt động đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC. Tuy nhiên, trong thực tế mặc dù có nhiều tiện ích song việc triển khai công tác đấu thầu qua mạng vẫn gặp rất nhiều khó khăn ở nhiều địa phương. Đơn cử, như tại TP. Đà Nẵng mặc dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng thông tin, nhân lực... song công tác đấu thầu qua mạng vẫn chậm.
Mới đây, PC Đà Nẵng đã triển khai đấu thầu thí điểm gói thầu số 96: “Mua sắm viên chì và dây xâu chì phát quang” trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Quá trình mở thầu thực hiện thuận lợi và đạt được kết quả khả quan, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên tham gia...
Tuy nhiên, số đơn vị như PC Đà Nẵng thực hiện việc đấu thầu qua mạng vẫn còn rất khiêm tốn. Đến nay, vẫn có rất ít các cơ quan Nhà nước, DN tiến hành tổ chức đấu thầu qua mạng. Vậy nguyên nhân nào khiến đấu thầu qua mạng mặc dù có nhiều tiện ích nhưng vẫn tắc?
Đầu tiên, theo nhiều chuyên gia do đây là hình thức đấu thầu mới nên nhiều cơ quan, DN vẫn còn gặp nhiều lúng túng. Khó khăn tiếp theo là về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương vẫn còn những hạn chế, ảnh hưởng đến công tác đấu thầu qua mạng. Thêm một nguyên nhân nữa, nguồn nhân lực phục vụ cho đấu thầu qua mạng còn nhiều hạn chế, hầu hết chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu qua mạng.
Tuy còn nhiều khó khăn, song việc đấu thầu qua mạng vẫn được các địa phương quyết tâm thực hiện. Đến nay, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương lập danh mục các gói thầu dự kiến triển khai lựa chọn nhà thầu qua mạng. Theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đạt tối thiểu 30% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh.
Đồng thời, giảm dần hình thức đấu thầu truyền thống, vừa tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách, vừa bảo đảm sự công bằng, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác đấu thầu qua mạng...