Đầu tư cổ phiếu 2016: Cơ hội xuất hiện ở từng nhóm
HSX: Kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mới | |
Để phát triển sâu rộng thị trường chứng khoán | |
Biến thách thức thành cơ hội |
Điểm đáng lưu ý trước tiên đó là nhà đầu tư phải khái quát và nắm được cơ bản các chỉ tiêu tài chính, sức khỏe kinh tế vĩ mô trong năm 2016 và những vấn đề làm nền tảng cho sự vận động của các thành phần chính trong nền kinh tế. Từ đó, giúp nhà đầu tư có định hướng tốt hơn cho sự chọn lọc ngành nghề và cổ phiếu đầu tư.
Đồng thời, nhà đầu tư có thể dựa trên cơ sở đánh giá những cơ hội và rủi ro có kết hợp phân tích định lượng.
Ảnh minh họa |
Chẳng hạn, năm nay họ phải dựa trên các nhân tố chính là tương quan giữa tăng trưởng EPS và chỉ số VN-Index, triển vọng dòng vốn ngoại trên thị trường niêm yết, các yếu tố vĩ mô, chính sách, cục diện thị trường được phác họa một số nét cơ bản. Trong đó, có nhiều khả năng 2016 vẫn là năm không bằng phẳng cho toàn bộ thị trường mà cơ hội chỉ xuất hiện ở từng cổ phiếu/nhóm cổ phiếu riêng lẻ.
Còn đối với chiến lược lựa chọn nhóm ngành và cổ phiếu, hiện tại với bức tranh vĩ mô được phác họa và phân tích định tính, định lượng các nhân tố chính của TTCK, chiến lược đầu tư năm 2016 theo giới phân tích sẽ càng nghiêng về sự quan trọng của việc chọn lọc cổ phiếu. Trong đó, sự thay đổi và thích nghi tốt với sự thay đổi sẽ đem lại thành quả cho DN và những nhà đầu tư.
Chi tiết hơn, ngành công nghệ thông tin, cảng biển, xây dựng, sửa chữa, dệt may, điện, bất động sản… được đánh giá là hấp dẫn nhất trong năm 2016. Ngược lại, ngành Ngân hàng sẽ không tăng trưởng nóng trong năm 2016.
Lấy ngành công nghệ thông tin làm ví dụ. Nhà đầu tư phải nắm được rằng, những dữ liệu được đưa ra dựa trên nền tảng năm 2016-2017 là thời gian trọng điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và khối DN.
Theo đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với áp dụng công nghệ trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đến hết năm 2016, 100% dịch vụ công phải áp dụng công nghệ thông tin. Lực cầu tăng từ khối tư nhân và tài chính cũng sẽ mang lại tăng trưởng mạnh cho ngành công nghệ và viễn thông trong năm 2016. Đây chính là điểm nhấn để nhà đầu tư lựa chọn và kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành.
Trong báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng nhận định, ngành công nghệ được hưởng lợi đặc biệt từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hội nhập mang lại làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam, lĩnh vực tích hợp hệ thống và cung cấp dịch vụ viễn thông internet cho khối khách hàng DN sẽ được hưởng lợi. Theo đó, lĩnh vực giao thông thông minh xuất hiện.
Ngoài ra, tỷ giá sẽ có tác động hai chiều đến ngành công nghệ, tích cực với lĩnh vực xuất khẩu phần mềm do có doanh thu ngoại tệ. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ tác động tiêu cực tới lĩnh vực tích hợp phần cứng do phải nhập khẩu thiết bị…
Cụ thể hơn nữa, FPT chính là cổ phiếu đáng trông đợi nhất, thậm chí CTCK Rồng Việt còn đưa ra thông tin đây còn là cơ hội đầu tư an toàn với suất sinh lời cao hơn lãi suất ngân hàng. Lý do, FPT hoàn thành kế hoạch năm 2015 với mức tăng trưởng tương đối, doanh thu đạt 40.002 tỷ đồng (+14%) và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.933 tỷ đồng (+18%), tương ứng EPS khoảng 4.369 đồng (+17%).
Theo nhận định, tăng trưởng năm 2016 của FPT sẽ đến chủ yếu từ công nghệ thông tin và bán lẻ. Mảng công nghệ thông tin được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng cao, với ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) hơn 30% và sẽ đóng góp khoảng 38,5% vào tổng LNTT trong năm 2016.
Đối với mảng bán lẻ, xu hướng mở rộng cửa hàng của FPT sẽ tiếp diễn trong năm 2016, dự báo tăng thêm 80 cửa hàng và nâng tổng số lên 330 cửa hàng. Do vậy, kỳ vọng chi phí hoạt động sẽ được tiết giảm và vị thế đàm phán với nhà phân phối cũng như với hãng điện thoại được cải thiện nhờ lợi thế quy mô và kinh nghiệm hoạt động trong các năm qua.
Điểm đặc biệt là câu chuyện thoái vốn của SCIC tại FPT Telecom khả năng mang lại mức P/E cao hơn đối với FPT trong một vài thời điểm trong năm 2016. Riêng về giá trị mang lại đối với FPT về mặt tăng trưởng lợi nhuận, giá của cổ phiếu này phụ thuộc vào việc FPT có thể nâng được sở hữu bao nhiêu tại FPT Telecom trong tương lai.
Như vậy, đan xen giữa tăng trưởng và suy giảm trong các mảng kinh doanh nhưng về tổng thể FPT vẫn là cơ hội đầu tư tốt trong năm 2016. Ước tính doanh thu và LNTT năm 2016 của FPT lần lượt tăng trưởng 7,5% và 11,4%.
Đồng thời, EPS năm 2016 sẽ đạt khoảng 4,800 đồng, tương ứng với mức P/E hiện tại khoảng khoảng 9.9x. Chưa kể, FPT cũng có chính sách cổ tức khá ổn định, với mức tỷ suất cổ tức khoảng 4-6%/năm. Do vậy, với vị thế đầu ngành và là cổ phiếu lớn trên sàn niêm yết, FPT là cổ phiếu đáng để nhà đầu tư ngại rủi ro tích lũy tại các giai đoạn điều chỉnh của thị trường…