Đẩy lùi thông lệ xấu trong kinh doanh
PAPI 2016: Hành chính công cải thiện chậm chạp | |
Công khai thông tin quy hoạch |
Việt Nam vẫn chưa có cải thiện đáng kể trong việc xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính. Bởi theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2016 của Việt Nam là 33 điểm, xếp thứ 113/175 quốc gia được khảo sát. Thứ hạng này không có tiến bộ vượt trội so với các năm trước.
Các tập đoàn lớn luôn đòi hỏi môi trường đầu tư minh bạch |
Người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng từ DN “sạch”
Thông tin được bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị xã hội (Sensogor) chia sẻ tại hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể”, do Đại sứ quán Đan Mạch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Sensogor tổ chức ngày 12/4.
Thực tế cho thấy môi trường kinh doanh liêm chính ngày càng trở thành yếu tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho các nền kinh tế trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc này dường như vẫn chưa được cải thiện ở Việt Nam. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 do VCCI thực hiện, chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006.
So sánh giữa các quốc gia trong khu vực, khảo sát của TI cho thấy mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ cao hơn so với Lào, Myanmar, Campuchia; song lại thấp hơn nhiều nước khác là Singapore, Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan. Điều này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy DN thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn khuyến cáo, hành động tập thể là giải pháp hữu hiệu đã được một quốc quốc gia và cộng đồng DN tại Việt Nam thực hiện để phòng chống tham nhũng. Đây là hướng đi cần được nhân rộng. Các lợi ích mà giải pháp này mang lại đối với nền kinh tế là giảm chi phí kinh doanh; tăng hiệu quả sử dụng vốn; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Đối với xã hội, giải pháp này củng cố lòng tin vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ; giảm bớt gánh nặng do chi phí tham nhũng. Đối với DN, hành động tập thể bảo vệ uy tín và thương hiệu cho DN; tăng cường đối thoại, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các bên…
Nói “không” với thông lệ xấu
Những năm gần đây, hành động tập thể thúc đẩy DN thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm. Những hành động này bắt nguồn từ nguyên tắc phòng, chống tham nhũng không thể được thực hiện chỉ bởi một cá nhân, mà cần có sự tham gia của nhiều bên, từ các DN, các cơ quan chính phủ đến các tổ chức xã hội.
Hành động tập thể thường cần một chiến lược dài hạn, dựa trên nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình. Giảm thiểu chi phí tham nhũng, bảo vệ thương hiệu, danh tiếng của công ty và cải thiện chất lượng chuỗi cung ứng là các nhân tố chính để DN phát triển và duy trì liêm chính trong kinh doanh.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Lê Bích Loan, Phó giám đốc Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) khẳng định, các tập đoàn lớn và có uy tín lâu đời trên thế giới đều rất coi trọng vấn đề chống tham nhũng. Vì vậy họ luôn đòi hỏi môi trường đầu tư minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả dự án đầu tư.
Nhận thấy điều này nên ngay từ năm 2007, SHTP đã triển khai các biện pháp như xây dựng bộ quy tắc ứng xử, ký các thoả thuận về đạo đức kinh doanh… để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới vào đây.
Cùng với đó, SHTP đã thực hiện các hành động cụ thể như công khai minh bạch các thủ tục hành chính trên website và nơi làm việc; đưa công nghệ thông tin vào quản lý và phục vụ DN; xây dựng diễn đàn đạo đức kinh doanh trên website để DN tham gia và chia sẻ kinh nghiệm; đối thoại định kỳ với DN; triển khai đánh giá sự hài lòng của DN với SHTP…
Ở phạm vi rộng hơn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, cơ quan này đã có Đề án 12 là Chương trình hành động Thúc đẩy thực hiện liêm chính DN, được khởi động từ năm 2015. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng DN cùng hợp tác hành động thực hiện liêm chính trong kinh doanh.
Ông Vinh chia sẻ, Đề án 12 đặt ra rất nhiều nội dung hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ DNNVV phòng, ngừa tham nhũng. Tuy nhiên điều cần thực hiện trước hết là chính DN phải thay đổi nhận thức. Ông phân tích, DN không nên thoả hiệp với việc thay vì mất thời gian thì đưa phong bì cho nhanh.
“Đó là lối suy nghĩ hết sức nguy hiểm, bởi trong khi nhà nước đang cố gắng thanh lọc, xây dựng đội ngũ công chức mang tinh thần đạo đức cao thì chính DN lại tiếp tay cho hành động đó. Cái đó đi ngược lại bộ quy tắc ứng xử của DN”, ông Vinh nhấn mạnh. Thay vì thoả hiệp, nếu như ngày càng nhiều DN chống lại hiện tượng này thì thông lệ xấu sẽ dần bị đẩy lùi, môi trường kinh doanh sẽ trong sạch hơn.