Để doanh nghiệp ngành gỗ vững vàng hội nhập
Ngành gỗ xuất khẩu: Doanh nghiệp nội vẫn chịu lép vế |
Cần có chính sách ưu đãi
Trước cơ hội rất rộng mở, các DN gỗ Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều khó khăn về tình trạng “đói” nguyên liệu cũng như chưa có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp chế biến gỗ…
Trong nhiều năm qua, các DN ngành sản xuất, chế biến gỗ được coi là đầu ra ổn định của gỗ rừng trồng, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều tỉnh, địa phương. Mặc dù, chế biến lâm sản có nhiều đóng góp tích cực nhưng vẫn chưa nhận được nhiều ưu đãi như các ngành nghề chế biến nông, thủy sản.
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Woodland chia sẻ: Theo quy định của Luật Thuế số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn về thuế thu nhập DN quy định ưu đãi thuế thu nhập DN đối với thu nhập của DN từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản sẽ được hưởng 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng tại địa bàn khó khăn và thuế suất 15% trong suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của DN từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Do vậy, trường hợp DN có phát sinh thu nhập từ hoạt động chế biến lâm sản không thuộc các trường hợp được ưu đãi…
Ngành gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng sang nhiều thị trường lớn như Mỹ và EU... |
Bên cạnh đó, DN phải chịu nhiều loại thuế phí bất hợp lý, phí chồng phí và là gánh nặng cho DN. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyến cho hay, nhiều DN không chỉ riêng Woodsland nhận thấy UBND quận Hải An đưa ra văn bản thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng là bất hợp lý.
Trong đó, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đối với container 20feet là 250.000 đồng/cont, còn đối với container 40feet là 500.000 đồng/cont. Với mức thu như quy định trên thì năm 2017, Woodsland trung bình xuất/nhập 60cont/tháng loại 40feet, ước tính chi phí phát sinh gần 400 triệu đồng.
Cạnh đó, đông đảo DN sản xuất khác trong ngành chế biến gỗ gặp đang phải khó khăn rất lớn trong việc thu mua nguyên liệu mà nguyên nhân chính là do thương lái trên thị trường thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô. Một phần do nhiều nước trong khu vực đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng. Đặc biệt như Lào, Capuchia, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc... dẫn đến tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong khu vực một cách rõ rệt, làm gia tăng áp lực cạnh tranh gỗ nguyên liệu đầu vào tại các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển. Một số các thương lái và rất nhiều DN xuất khẩu, chủ yếu là các công ty thương mại, đã lợi dụng kẽ hở trong các quy định về thuế suất các mặt hàng trên, khai báo mức giá hàng hoá trên tờ khai Xuất khẩu thật thấp nhằm nộp thuế xuất khẩu thấp hơn mức quy định.
Ở khía cạnh khác, bà Dương Thị Tú Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Thượng Nguyên nhận định: Trong nhiều năm qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã tạo ra sự cạnh tranh cao nhờ vào nguồn nhân công dồi dào và chi phí thuê nhân công khá thấp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân công không còn dồi dào vì sự cạnh tranh khá lớn từ các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì không còn con đường nào khác DN phải áp dụng công nghệ vào trong sản xuất.
Cơ hội rộng mở
Dự báo trong năm 2019 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng trên 3,5%, thương mại đồ gỗ cũng sẽ tăng thêm 4%. Trong đó nhu cầu về sản phẩm gỗ cho nhà bếp cũng rất lớn, chiếm tới 28% tổng nhu cầu về đồ gỗ tại thị trường Đức. Ngành gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường với những tín hiệu tốt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU với nhu cầu cao về giấy, đồ gỗ nội thất và gỗ kỹ thuật dùng trong xây dựng. Để thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 12 – 13 tỷ USD vào năm 2020, DN Việt Nam cần tập trung đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý.
Thực tế, công nghệ là yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí và tăng năng suất, tuy nhiên, nếu để DN máy móc chế biến gỗ tự tìm mua công nghệ thì hiện nay không đủ lực với những ràng buộc và kinh phí lên tới hàng triệu USD. Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi thuế và các điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện công nghiệp Việt Nam từ các quốc gia phát triển. Đối với nguồn vốn, nhà nước cần tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn ưu đãi để mua máy móc thiết bị nâng cao công nghệ chế biến gỗ, kể cả ngành công nghệ phụ trợ. Cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hóa trong sản xuất gỗ để DN gỗ tham gia vào chuỗi cung ứng, đủ tầm nhận những đơn hàng lớn hơn hiện nay, bà Dương Thị Tú Trinh chia sẻ.
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết kiến nghị nhà nước cần giảm tải các chi phí bất hợp lý còn tồn đọng trong các khâu thuộc chuỗi cung ứng. Giảm thiểu xuất siêu nguyên liệu gỗ thô, bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế và kiểm soát việc thực hiện. Xây dựng nhiều vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng phục vụ chế biến gỗ, có chứng chỉ rừng bền vững (FSC), đồng thời áp dụng các ưu đãi về mức thuế thu nhập DN đối với ngành lâm nghiệp tương tự như với ngành nông nghiệp và thủy sản.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, qua khảo sát thực tế, hiện nay chỉ có thể mở rộng rừng từ diện tích rừng trồng trên đất đã giao cho người dân theo hình thức liên kết giữa DN chế biến gỗ với chủ rừng là hộ gia đình và hợp tác xã trồng rừng. Thực tế đã có nhiều mô hình liên kết như vậy đã và đang vận hành có hiệu quả (Scansia Pacific, Nafoco, Woodlands…). Tuy nhiên, rất cần có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện mô hình liên kết này có hiệu quả và bền vững.
Trước kiến nghị của các DN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, để đạt được mục tiêu mà ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt ra trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, nhất là trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mới như: CPTPP, VPA/FLEGT để hỗ trợ ngành này phát triển ổn định. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách tiếp tục tháo gỡ khó khăn tạo môi trường thúc đẩy DN khởi nghiệp, mở rộng đầu tư. Đồng thời, tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để hoàn thiện và nhân rộng mô hình liên kết giữa DN chế biến, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản với người trồng rừng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu và đảm bảo cung ứng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.