Để du lịch Việt có chiều sâu
Nhiều hứa hẹn với Đại sứ Du lịch Việt | |
Giao thông kích du lịch tăng trưởng |
Hiện nay, du lịch không đơn giản là thỏa mãn đam mê trải nghiệm, việc phát triển du lịch có trách nhiệm cũng hết sức cần thiết để có những cách thức tối đa hóa tác động tích cực và tối thiểu hóa tác động tiêu cực của du lịch đối với một điểm đến cụ thể.
Du lịch Việt đang được phát triển theo hướng mang nhiều tính nhân văn |
Song song với nhiệm vụ khắc phục mặt trái của du lịch như nạn xả rác bừa bãi, “chặt chém” du khách, chất lượng an toàn thực phẩm… các nhà quản lý cũng đang thúc đẩy những hình thức du lịch mang tính nhân văn như: Du lịch bảo tồn văn hóa, du lịch tình nguyện, du lịch bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam hiện nay, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và tài nguyên du lịch chính là một trong những nhân tố cần ưu tiên hàng đầu để cộng đồng địa phương có trách nhiệm hơn trong việc phát triển du lịch.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng ta có thể sử dụng một loại hình du lịch có trách nhiệm – du lịch tình nguyện viên và du lịch kết hợp với học tập để vừa trực tiếp giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, vừa có thể gián tiếp nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói một cách khác, du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Đứng từ góc độ này, các giá trị văn hóa được xem là dạng tài nguyên du lịch để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh không chỉ giữa các vùng miền, các địa phương trong nước mà còn giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.
Có nhiều phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa, tuy nhiên du lịch được xem là phương thức phát huy có hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Không phải ngẫu nhiên du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa trên thế giới. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được tận mắt nhìn thấy trong thực tế, mà còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến du lịch.
Nhiều giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất nào có thể chuyển tải được. Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động. Có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn di sản văn hóa với hoạt động phát triển du lịch.
Đây là mối quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch và xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp tích cực cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Song song với sự phát triển của hình thức du lịch bảo tồn văn hóa, du lịch tình nguyện cũng đang lan tỏa rộng. Hình thức du lịch này đã theo các du học sinh, tổ chức phi chính phủ vào Việt Nam trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Du lịch tình nguyện hiện rất được giới trẻ chào đón vì qua những chuyến du lịch kết hợp giúp đỡ cộng đồng, họ dễ dàng tìm được niềm vui trong cuộc sống. Sự tương tác giữa khách du lịch và người dân địa phương qua mô hình này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Những chuyến đi tình nguyện có phân nửa là kết hợp du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng miền, đa số là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng tham gia du lịch tình nguyện bao gồm người đi làm, cán bộ nghỉ hưu và đông đảo nhất là học sinh, sinh viên.
Đối với tour miễn phí hoàn toàn, tình nguyện viên tham gia sẽ phải trải qua những cuộc khảo sát tương đối kỹ lưỡng. Những tình nguyện viên có kỹ năng ngoại ngữ thành thạo sẽ được ưu tiên. Kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng sư phạm tốt cũng là điểm cộng để được lựa chọn.
Bên cạnh đó, các ứng cử viên phải có sức khỏe tốt để thực hiện hành trình. Ngoài ra, tùy theo mục đích từng tour tình nguyện thiên về giáo dục, y tế, bảo tồn thiên nhiên, hướng dẫn văn hóa... để ban tổ chức thông báo tuyển người phù hợp.
Một điều tất yếu, trong quá trình phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội đất nước nói chung, sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng là nguồn gốc và động lực của quá trình vận động, phát triển.